Xem ra, phát ngôn của ông Chỉnh cũng ứng luôn vào trường hợp của Mourinho tận bên nước Anh. Mặc dù được đánh giá cao về những phẩm chất đặc biệt, không ngại đối đầu với các ông bầu, đưa ra những con tính xuất quỷ nhập thần, nhưng Mourinho đã bị chính những học trò mà mình đưa về lật đổ.
Bây giờ, người ta đang đau đầu để giải mã vì sao mối quan hệ giữa Mourinho và các học trò bị đổ vỡ? Có quá nhiều lý do, nhưng điểm mấu chốt chính là việc ông đã động chạm đến quyền lực của những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất ở đội bóng. Sau một mùa giải thành công, Mourinho đã không cân bằng được tâm lý và quyền lợi của các ngôi sao. Công thần Terry bị đẩy lên băng ghế dự bị và đối diện với nguy cơ phải rời khỏi đội bóng như trường hợp của Frank Lampard. Rồi, Diego Costa, Cesc Fàbregas liên tục chỉ trích cách dụng nhân của Mourinho.
Ảnh: Internet
|
Công thần chống đối, không có lựa chọn nào khả dĩ hơn để thay thế, Chelsea bỗng trở nên mất kiểm soát. Cũng có người nói, Mourinho đã sai lầm trong chính sách chuyển nhượng khi không mua thêm cầu thủ trong khi lại tạo ra mối bất hòa với những người cũ. Đến khi sóng gió nơi hậu trường nổi lên khi nhà cầm quân này đã không thể chống đỡ.
Vậy mới nói, bóng đá không chỉ là cuộc chơi của những cầu thủ đá bóng, của những tính toán về chuyên môn được đẩy thành khoa học, công nghệ. Ở đó cũng có những mối xung đột, mâu thuẫn, và thành công chỉ đến với những người có khả năng quản lý, biết giải quyết mâu thuẫn, hoặc chí ít là không để cầu thủ chống đối mình. Những toan tính, mâu thuẫn, tranh giành tầm ảnh hưởng luôn song hành với các đội bóng và chẳng ai có thể nói trước được điều gì, dù “đặc biệt” như Mourinho, nhiều “pháp thuật” như Van Gaal. Và đây không chỉ là câu chuyện của nước Anh, của Việt Nam, mà bất cứ nền bóng đá nào cũng phải vận hành theo một vòng xoáy đầy thách thức.