Việc có bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can hay không vẫn là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau tại Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: Nhiều ý kiến ĐB Quốc hội tán thành với quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can. Bởi cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi và trong những điều kiện rất khác nhau. Dự Luật quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp. Còn hỏi cung tại các địa điểm khác (như tại nơi tiến hành điều tra, tại chỗ ở của bị can) được ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Liên quan đến nội dung còn nhiều tranh luận về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội. Một số ý kiến đề nghị quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội. Nhưng vẫn có ý kiến tán thành quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. UBTV Quốc hội trình 2 phương án theo 2 luồng ý kiến nêu trên để xin ý kiến Quốc hội.
Trong Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), vấn đề VKSND thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh - thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật nên VKS là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, cũng là vấn đề tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tranh luận của các thành viên UBTV Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, khi Hiến pháp đã khẳng định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử thì phải thay đổi cả quy trình thủ tục, quan điểm về những người tham gia tiến hành trong quá trình tố tụng. Do đó, đề nghị không phân loại cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Khi tranh tụng trở thành nguyên tắc, yêu cầu bắt buộc, quy trình chính trong quá trình xét xử thì một mình tòa án không thể là cơ quan tiến hành được. Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình lại đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành, theo đó VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng, vì tổng kết thực tiễn cho thấy quy định này không có vướng mắc gì.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, vấn đề này đã thảo luận nhiều lần trong các phiên họp của UBTV Quốc hội, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, UBTV Quốc hội cần biểu quyết chọn phương án để trình ra Quốc hội.
Kết quả biểu quyết của UBTV Quốc hội đa số ý kiến tán thành giữ vị trí, vai trò của VKSND như tại luật hiện hành, tức VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng.