Giá biến động thất thường: Ngành chăn nuôi lao đao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước vẫn đang còn nhỏ lẻ, manh mún, nhiều người chăn nuôi vẫn chưa ý thức cao trong việc phòng ngừa dịch bệnh và áp dụng những tiến bộ của khoa học. Do đó, để vực dậy, cần phải tái cấu trúc toàn diện ngành chăn nuôi.

Giá sản phẩm chăn nuôi thời gian gần đây giảm mạnh, trong khi giá thức ăn liên tục tăng, kèm theo tình trạng dịch bệnh lây lan đã khiến người chăn nuôi rơi vào tình trạng treo chuồng, phá sản và ngành chăn nuôi Việt Nam lao đao.

Giải pháp "cứu" ngành chăn nuôi đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng cùng nhiều địa phương tích cực bàn thảo.

Biến động giá

Tại Hội nghị phát triển ngành chăn nuôi khu vực phía Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 22/5 tại tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thời gian gần đây giá các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là gia súc gia cầm có nhiều biến động.

Nếu như quý 3/2011 giá thịt lợn siêu nạc bán ở mức 64.000 đồng/kg, được xem là cao nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi, thì đến quý 2/2013, giá thịt lợn đã xuống còn 37.000-38.000 đồng/kg. Với mức giá xuống quá sâu này, hầu hết người chăn nuôi, kể cả nông hộ nhỏ lẻ, đến các trang trại tập trung đều bán dưới mức giá thành và thua lỗ nặng.

Tương tự, đối với giá sản phẩm thịt gà công nghiệp, vào quý 2/2011, người nông dân bán tại chuồng với mức gần 40.000 đồng/kg thì đến quý 2/2013 đã xuống còn 17.000-18.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi phải chịu lỗ trên 10.000 đồng/kg. Với những biến động trên, năm 2011 giá một số sản phẩm chăn nuôi ở Việt Nam cao nhất thế giới và hiện nay mức giá đã xuống thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Cục Chăn nuôi cho biết nguyên nhân của tình trạng giá giảm mạnh khiến ngành chăn nuôi lao đao trong giai đoạn hiện nay gồm cả khách quan và chủ quan. Nguyên nhân chính là tình trạng dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm xảy ra ở nhiều địa phương khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại và quay lưng với sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt gà và thịt lợn.

Một nguyên nhân khác mà người chăn nuôi đang phải gánh chịu là giá sản phẩm thức ăn, nguyên liệu thức ăn cho ngành chăn nuôi liên tục tăng, khiến chi phí đầu vào "đội" lên quá cao. Liên tục từ năm 2010 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-40%. Điển hình như giá ngô 5.700 đồng/kg (năm 2010) đến nay đã lên trên 7.200 đồng/kg; bột cá tăng từ 20.400 đồng (năm 2010) lên hơn 27.000 đồng/kg...

Giá nguyên liệu, thức ăn liên tục tăng cao như vậy, song giá thành sản phẩm lại biến động theo chiều ngược lại đã đẩy người chăn nuôi vào tình trạng hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng trong thời điểm hiện nay, các trang trại hầu hết đang nuôi cầm chừng. Một số trang trại do không trụ được với giá thành đầu vào quá cao, đã buộc phải treo chuồng, phá sản.

Ông Công cho rằng nhiều người nói giải pháp hiện nay là vấn đề tín dụng; tuy nhiên thực tế tín dụng cũng không thể giải quyết được vấn đề.

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng “hiện chúng ta sử dụng tiền sẵn có của nhà để đầu tư vào chăn nuôi còn bị lỗ, huống gì đi vay ngân hàng.” Theo ông Công, giải pháp căn cơ và lâu dài cho ngành chăn nuôi trong nước là phải tái cấu trúc mạnh mẽ, thay đổi tập quán chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăn nuôi theo mô hình sạch dịch bệnh để lấy lại lòng tin cho người tiêu dùng. Một khi niềm tin của người tiêu dùng được xây dựng vững chắc thì ngành chăn nuôi ắt hẳn sẽ phát triển một cách bền vững.
 
Giá biến động thất thường: Ngành chăn nuôi lao đao - Ảnh 1
 

Chăm sóc đàn lợn nái. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Quá nhiều khâu trung gian

Theo ông Nguyễn Xuân Dương hiện nay quan hệ cung-cầu đối với sản phẩm của ngành chăn nuôi đang tồn tại nhiều bất hợp lý. Trong khi giá sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt gà, thịt lợn đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử thì giá tại chợ và hệ thống siêu thị vẫn cao và người tiêu dùng vẫn phải mua với giá "trên trời," còn người chăn nuôi thì còng lưng chịu lỗ.

Ông Dương lý giải, vấn đề ở đây là do có quá nhiều khâu trung gian. Đường đi của một con lợn, con gà từ khi xuất chuồng đến khi đến tay người tiêu dùng có quá nhiều khâu. Sau khi xuất chuồng, sản phẩm được giới thương lái mua, sau đó lại đến khâu vận chuyển, rồi đến một đầu nậu khác, sau đó sản phẩm mới đến lò mổ, rồi tiếp tục qua khâu vận chuyển, phân phối, kiểm dịch, đến hệ thống chợ đầu mối, sau đó mới ra chợ và đến tay người tiêu dùng.

Với tất cả những khâu trên, khâu nào cũng phải mất chi phí. Do đó sản phẩm nông nghiệp từ trang trại đến bàn ăn là cả một chuỗi khâu trung gian, khiến giá sản phẩm bị đội lên nhiều.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng để có thể giải quyết khâu trung gian này, một mình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không thể làm, mà nhiều bộ, ngành khác cũng phải vào cuộc. Nếu có được sự đồng bộ trên, thì chi phí của sản phẩm nông nghiệp ở những khâu trung gian này mới giảm. Và lúc đó khoảng cách chênh lệch giá từ trang trại đến tay người tiêu dùng mới được rút ngắn.

Vực dậy ngành chăn nuôi

Để có thể vực dậy và tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong đó, người chăn nuôi không phải chỉ ngồi chờ những chính sách của Nhà nước, mà cần phải bằng nội lực là chính.

Hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước vẫn đang còn nhỏ lẻ, manh mún, nhiều người chăn nuôi vẫn chưa ý thức cao trong việc phòng ngừa dịch bệnh và áp dụng những tiến bộ của khoa học. Do đó, để vực dậy, cần phải tái cấu trúc toàn diện ngành chăn nuôi.

Ông Tám cho rằng hiện nay những mô hình hiệp hội ngành hàng liên kết để phát triển đang cho thấy tính hiệu quả cao, bởi vậy, trong chăn nuôi cũng cần sự liên kết theo chuỗi và có một bộ phận cầm trịch là các hiệp hội ngành hàng. Những đơn vị này sẽ tổ chức thị trường và bảo vệ tính pháp lý cho các xã viên, thành viên.

Mặt khác, hiệp hội cũng sẽ là nơi cung cấp những thông tin toàn diện về thị trường, con giống, dịch bệnh để người chăn nuôi có thể chủ động trong mở rộng sản xuất, kinh doanh, cũng như lường trước những khó khăn để tránh.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Bình Phước lại nêu giải pháp cần thành lập các kho đông lạnh để bảo quản sản phẩm tồn kho. Theo ông, khi có các hệ thống tạm trữ đối với sản phẩm chăn nuôi, trong những giai đoạn nhất định, nếu giá cả có bị biến động, đặc biệt là “khủng hoảng thừa” thì lượng hàng “tồn kho” của ngành chăn nuôi sẽ được cấp đông và khi thị trường ổn định trở lại thì giải phóng. Nếu làm được như vậy, sản phẩm chăn nuôi sẽ có giá bình ổn hơn trên thị trường.

Còn bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty thực phẩm Đồng Nai cho rằng công tác định hướng, dự báo là hết sức quan trọng cho ngành chăn nuôi và việc làm này thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Ngành chăn nuôi sẽ xuất hiện tình trạng khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu. Trong giai đoạn hiện nay, giá sản phẩm đã rất thấp, nhưng lượng “hàng tồn kho” lại đang rất cao, do đó ngành chăn nuôi rơi vào khủng hoảng thừa. Tuy nhiên, sau chu kỳ này, thị trường sẽ trở lại một chu kỳ mới, lúc đó nếu người chăn nuôi, doanh nghiệp được định hướng và được cung cấp đầy đủ thông tin thì chúng ta có thể đón cơ hội để mở rộng sản xuất.

Lý giải tại sao trong khi ngành chăn nuôi trong nước đang lâm vào tình trạng khó khăn, thì những công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh và tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, bà Hồng cho rằng “họ đang đón đầu cơ hội, họ dự đoán sau giai đoạn này sẽ mở ra một giai đoạn mới tốt hơn." Nếu được định hướng tốt thì người chăn nuôi trong nước cũng sẽ vững vàng đầu tư và phát triển bền vững.

Với những ý kiến cho rằng, ngành chăn nuôi cũng cần được áp dụng chính sách thu mua tạm trữ giống như đang áp dụng đối với lúa gạo, ông Vũ Văn Tám cho biết, vấn đề này Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ ghi nhận, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho các cấp lãnh đạo xem xét./.