Giá cà phê hôm nay 23/11: Robusta tiếp tục tăng, nông dân trồng cà phê hụt hơi với giá phân bón

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 23/11 trong khoảng 40.400 - 41.200 đồng/kg. Robusta tiếp đà tăng trong khi thông tin có mưa đều tại các vùng cà phê Brazil đã giúp "hạ nhiệt" Arabica.

 Giá cà phê hôm nay 23/11: Robusta tiếp tục tăng, nông dân trồng cà phê hụt hơi với giá phân bón

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.400 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.100 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.000 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.000 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm tăng nhẹ so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 tăng 6 USD/tấn ở mức 2.251 USD/tấn, giao tháng 3/2022 tăng 1 USD/tấn ở mức 2.198 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 1,95 cent/lb ở mức 231,35 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 2,1 cent/lb ở mức 231,3 cent/lb.

Trong phiên đầu tuần, Robusta tiếp đà tăng trong khi thông tin có mưa đều tại các vùng cà phê Brazil đã giúp "hạ nhiệt" Arabica. Tình trạng "vắt giá" vẫn diễn ra thể hiện mối lo về nguồn cung trong ngắn hạn.

Băng giá và hạn hán phá hủy mùa màng ở nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới là Brazil, cùng lúc mưa quá nhiều ảnh hưởng tới sản xuất ở Colombia, trong khi tình trạng thiếu container vận chuyển đang kìm hãm xuất khẩu từ Việt Nam.

Hiện nay lượng cà phê trong kho dự trữ còn rất ít, và đồng tiền Brazil mạnh lên càng khiến cho người trồng cà phê của quốc gia này không muốn bán ngay.

Tại Indonesia, nguồn cung cũng hạn chế trong khi nhu cầu bình thường. Mức trừ lùi giá cà phê Robusta Sumatra ở tỉnh Lampung tuần trước quanh mức 250 USD so với hợp đồng tham chiếu ở London, cao hơn mức trừ lùi 170 - 180 USD so với kỳ hạn tháng 1 - 2 trên sàn London.

Theo ghi nhận của báo Giao thông, cà phê tăng nhưng giá nhân công tăng, phân đạm tăng gần gấp đôi, người nông dân vẫn lỗ sau thu hoạch. Bà Nguyễn Thị Lương (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, nhà có 1 ha cà phê, dự kiến năm nay thu hoạch được khoảng 2 tấn cà phê nhân, bán được khoảng 80 triệu đồng. So với giá cà phê năm ngoái thì doanh thu từ trồng cà phê của nhà bà Lương tăng được 20 triệu, nhưng thực tế gia đình không được thêm đồng nào, thậm chí còn lỗ.

Trồng cà phê muốn có ăn thì ít nhiều cũng phải bón phân, xịt thuốc. Mà giá phân bón tăng vô tội vạ thế thì giá cà phê có tăng thế, tăng nữa cũng không đuổi kịp giá phân bón.

Theo ông Hồ Gấm - Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông, năm nay giá cà phê tăng cao. Tuy nhiên, mức giá đó so với chi phí đầu vào quá lớn, nông dân vẫn chưa thực sự có lãi, nếu không muốn nói nhiều chủ vườn cà phê vẫn còn bị lỗ...

Nhưng cà phê mỗi năm chỉ thu hoạch một lần. Trong thời gian chờ đợi, để có tiền trang trải hàng trăm thứ, nông dân nghèo chấp nhận mượn tiền tại các đại lý phân bón, đại lý cà phê. Đến khi có được hạt cà phê nào thu về, chủ nợ liền trừ dần vào số nợ. Người dân Tây Nguyên lo lắng cuối mùa khi người nông dân ồ ạt bán hạt cà phê, giá còn giảm, chứ khó có thể tăng nữa.