Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Già cậy con...

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lão Tốt gần tám mươi, là nông dân chính gốc mười mấy đời, ước mơ không cao hơn ngọn cỏ và bước chân không ra khỏi lũy tre làng. Lão giản dị như cây chuối và nền nã như cây rơm. Vợ chồng lão sinh được bốn con, hai trai hai gái. Hai cô con gái đi học làm nghề may.

Hai cậu con trai thi đỗ vào trung cấp nghề. Tất cả việc đi lại, tìm việc hay thi thố gì, các con lão tự nhờ người giới thiệu và lần mò. Lão chỉ ủng hộ các con và vui khi các con thành đạt. Lão buồn khi con cái láo hỗn, không nghe lời. Bốn đứa con được bú vợ lão, được chăm sóc giờ đủ lông đủ cánh, thoải mái mà bay. Rất nhiều lần, khi chìa tay xin tiền, cả bốn con đều nói: "Bố mẹ cứ đầu tư cho chúng con, rồi chúng con báo hiếu bố mẹ".

Nói thế thì bố mẹ nào không cảm động rớt nước mắt. Phải rồi, trẻ cậy cha già cậy con. Giờ không chăm chúng, hy sinh và cống hiến cho chúng thì biết đến bao giờ chúng mới bằng bạn bằng bè, mới mở mày mở mặt. Vợ chồng có đồng lưng vốn nào đều bỏ ra trang trải cho các con đi học nghề, đi kiếm việc cả. Với hy vọng: Chúng nó hứa phụng dưỡng hai vợ chồng. Bốn đứa con sau này sức dài vai rộng đều lười làm, chỉ thích hưởng sẵn của hai thân già, trong đó cậu con trai cả là tai hại nhất. Ngay từ nhỏ, cậu đã thích giành đồ ăn của bố mẹ, ngay cả khi bố mẹ đang định đưa cái gì vào miệng, hoặc cắn một quả ổi, cậu cũng đòi: "Bố cho con. Con ăn chóng lớn rồi con làm việc giúp, hay "Mẹ để con ăn nào, con nhanh lớn con đỡ đần mẹ". Mấy cô con gái cũng mè nheo: "Mẹ thịt con gà cho chị em chúng con ăn nhé, lớn lên, chúng con sẽ phụng dưỡng mẹ". Cậu cả được chăm sóc chu đáo, được thương yêu gần như nhất nhà, vì cả hai ông bà nghĩ rồi cậu sẽ là đầu tàu gương mẫu, gánh vác trọng trách của một người anh của ba đứa em. Thế nhưng, cậu cả không những không thương bố mẹ, mà còn tai quái hơn trong chuyện xin xỏ, vơ vét của ông bà già.
Minh họa: Hoài Văn
Minh họa: Hoài Văn
Cậu cả đã xin được công ăn việc làm và ổn định ngoài thành phố, nhưng chẳng giúp gì cho bố mẹ mà vẫn tiếp tục về nhà, hễ thấy thứ gì của vợ chồng lão Tốt có thể bán ra tiền là xin. Cả hai người đều đã già yếu, ba người con kia có phần áy náy và không vơ vét nữa vì nhận ra sự tàn nhẫn của mình. Họ đến khuyên giải anh cả, nhưng người anh cả dựa vào cái uy của mình không chịu nghe. Cứ đều đặn một tuần, cậu lại phóng xe về, có rau xin rau, dưa đòi dưa, bí đòi bí... Lúc khác lại vài chục cân gạo, dăm quả trứng... Không tiếc con, vợ chồng lão đáp ứng tất cả những yêu cầu của con cả. Nhờ vốn kiến thức từ đồng tiền vợ chồng lão Tốt đầu tư, cậu cả đã được học tại chức và công việc ngày càng khấm khá. Cậu có chút khôn ranh, nên được đề bạt làm quản đốc một phân xưởng vài chục công nhân. Công việc bận rộn nhưng thu nhập khá, thứ Bảy và Chủ nhật nghỉ, cậu cả lại phóng xe về quê gặp bố mẹ. Người không biết bảo cậu có hiếu quá, chịu khó về thăm cha mẹ già, không uổng công cả hai lao tâm khổ tứ vì con.

Một hôm, nhìn lên nóc tủ, cậu cả nhìn thấy đôi lục bình long lanh. Lão Tốt rất quý và mấy chục năm qua, với đôi bàn tay sù sì, lão lau chùi gìn giữ và chăm sóc nó. Tuổi của nó còn hơn tuổi vợ chồng lão cộng lại ấy chứ. Cậu cả biết là giá trị, liền xin:

- Bố cho con đôi lục bình này để con bán đi làm vốn. Sau này khấm khá, con đón bố mẹ ra phố để phụng dưỡng.

Dù tiếc nhưng không thể từ chối con, lão Tốt gật đầu.

Lần sau về, nhìn thấy con bò đực ở trong chuồng. Con bò vẫn giúp lão Tốt thu nhập mỗi tháng chừng một tạ thóc, vì có người mượn bò để cày hoặc kéo. Cậu cả nằn nì xin. 

- Bố hãy cho con chú bò này, con vẫn chưa đủ vốn làm ăn. Muốn làm ăn được phải có nhiều vốn. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền mà. Sau này con nhất định sẽ chăm sóc bố mẹ chu đáo.

Nghe cũng bùi tai, lão Tốt động lòng gật, tuy trong bụng có tiếc. Lão bảo vợ: "Con nó nói thế, vợ chồng mình chiều nó. Mình già rồi, cần gì nữa đâu, hy sinh vì con, con nó chẳng để mình thiệt". Vợ lão cũng gật. Mấy người em biết chuyện, rất bực, can bố không được cho. Họ còn nói: "Nếu bố cho anh cả con bò, thì phải cho chúng con một thứ nào đó tương xứng". Vợ chồng lão già chẳng có thứ gì đủ để chia cho ba đứa con mỗi đứa một phần giá trị tương xứng một con bò. Lão liền thống nhất với con cả là lão cho cậu vay con bò, để các em khỏi tị. Thực tế là giấu giếm cho không. Con cả bán bò, cầm tiền ra phố.

Từ vật lớn đến vật bé, từ món to đến món nhỏ, cậu cả không hề ngượng mồm khi cất lời xin đôi vợ chồng già. Đến chiếc mâm đồng mà vợ chồng lão và các con dùng bao năm, cậu cũng xin. Có hôm, cậu còn chở cả một vại cà, một vại dưa muối ra phố, ăn đẫy một tuần cũng không hết và bị hỏng, phải bỏ. Bất cứ thứ gì cậu cả cất lời xin, lão Tốt đều ưng thuận, không một lời than phiền, oán thán, trách móc. Có vẻ như nếu cậu cả mở lời: Xin bố hãy cho con mấy cái răng, tức thì lão cũng vặn ra mà cho vậy. Phải nói vợ chồng lão quá hiền lành, nhân hậu và quá tin con. Đúng rồi, già cả còn cần gì nữa, chỉ cần con. Đầu tư cho nó, nó mà phát đạt, đưa cả hai vợ chồng ra phố mà phụng dưỡng, chăm sóc thì mát mặt với xóm làng lắm. Xóm làng vẫn ghen tỵ với vợ chồng lão vì có cậu con cả khôn ngoan khó bì còn gì.Thời gian thấm thoắt trôi, con cái lão Tốt xây dựng gia đình. Bản thân vợ chồng lão cũng yếu đi quá nhiều vì tuổi tác và bệnh tật. Túp lều vợ chồng lão ở cũng trở nên dột nát, xiêu vẹo. Hàng xóm bảo lão nên xây một gian nhà mà ở. Thì lão xua tay: "Con cái sắp đón lên phố, có ở nữa đâu mà xây cho phí của. Mà đầu tư cho con rồi, chả có tiền đâu". Lão Tốt tay run run nhưng niềm tin vào con cái thì ngày càng mãnh liệt, kể cả tình thương của ông với chúng như thể sẵn sàng hy sinh tất cả vì con và bỏ qua mọi lỗi lầm, ham hố của chúng.

Cậu cả xây được một biệt thự to ở trong một con ngõ lớn của phố lớn. Cậu bỏ công ty ra làm riêng và phất lên nhờ tài buôn bán trốn thuế. Cậu đón vợ chồng lão Tốt ra chơi. Lão Tốt nghĩ là giai đoạn đói khổ, ở nhà dột nát của mình và vợ đã kết thúc. Chắc hai đứa chúng nó sẽ giữ ở lại để phụng dưỡng. Vợ chồng lão vui sướng lắm, thế là có thể mở mặt với đời rồi. Khi ra đến phố, mọi thứ với vợ chồng lão đều lạ lẫm. Ngôi biệt thự của con cả tuyệt đẹp, vợ chồng lão có nằm mơ mấy đời cũng không thấy. Vợ chồng con cả không cho hai ông bà đi đâu, cả ngày phải ở trong ngôi nhà rộng lạnh lẽo. Hai vợ chồng cậu đi làm từ tối đến sáng. Ăn uống gì có cô giúp việc lo. 

Thằng Tít - cháu nội của lão cũng học bán trú, tối về là sà vào đám đồ chơi, dửng dưng với ông bà nội.

Một hôm, vợ chồng con cả bày tiệc tùng thết đãi các quan khách và đối tác. Họ thấy xấu hổ nếu khách khứa nhìn thấy hai ông bà nhem nhuốc, quê mùa trong nhà mình. Con cả liền đưa sang "gửi" ở nhà một người bạn ở ngoại ô. Còn vợ chồng cậu ở nhà vui vẻ tiếp khách, nói cười rổn rảng.

Chừng một tháng, hai vợ chồng lão Tốt ăn cơm Hà thành, con cả muốn đưa bố mẹ về quê, vì thấy ở phố không tiện.

- Mai con đưa bố mẹ về quê sống nhá, ở đây con thấy bố mẹ buồn bã, không vui vẻ như ở quê. - Con cả nói.

Lão Tốt thực sự bất ngờ. Thằng con cả đã hứa gì với lão, giờ nuốt lời? Nó quên những ngày tháng, vợ chồng lão hy sinh vì nó ư?

- Mày bảo là sẽ đón bố mẹ ra phố phụng dưỡng. Đây là lúc đó rồi.- Vâng, thay vì như thế, con sẽ phụng dưỡng bố mẹ ở quê.

- Mày cũng về quê sống để phụng dưỡng ư?

- Không - Gã con cả nói - Con sẽ cấp tiền để bố mẹ sống ở quê cho thoải mái. Ở đó có nhiều người thân.

Lão Tốt nóng hết cả mặt, máu chuẩn bị sôi lên:

- Nhưng cái lều đó ọp ẹp, dột nát rồi. Tao chả còn tiền để sửa nữa. Chỉ nay mai là nó đổ.

Con cả cười, vỗ vào vai bố:

- Bố yên tâm, con sẽ về sửa cho bố. Bố mẹ cứ yên tâm ở đó. Phố không phải là chỗ cho bố mẹ. Bố mẹ không hợp thật mà.

Lão Tốt hoàn toàn thất vọng. Thằng con đã nuốt lời hứa. Không thể dựa dẫm, trông chờ gì ở nó nữa rồi. Máu trong người lão sôi lên. Lão ném trả gói tiền ban sáng con cả đưa để ăn quà vặt. Lão thét lên:

- Tao biết bộ mặt thật của mày rồi. Tao biết là vợ chồng tao không hợp với cái biệt thự giàu sang của mày mà. Được, vợ chồng tao sẽ về quê, khỏi làm phiền chúng mày…