Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng hơn 3% trong phiên ngày 2/8. Từ đầu phiên, giá dầu đã gượng dậy khi giới đầu tư dần bình tĩnh trở lại sau cú sốc đến từ việc Tổng thống Trump hôm 1/8 đột ngột tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Ngoài ra, giá dầu trong phiên cũng được hỗ trợ bởi báo cáo việc làm hàng tháng do Bộ Lao động Mỹ đưa ra.
Bản báo cáo cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 164.000 công việc mới trong tháng 7, phù hợp với dự báo trước đó của các chuyên gia kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn giữ gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ, tiền lương bình quân theo giờ tăng nhiều hơn dự báo.
Chốt phiên, giá dầu WTI giao tháng 9 tăng 1,71 USD/thùng, tương đương 3,2%, chốt ở 55,66 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent leo dốc 1.5 USD, tương đương 2,5%, lên mức 62 USD/thùng.
Xung đột thương mại leo thang "là điều không tốt đẹp gì đối với giá dầu, nhưng có lẽ tình hình không tệ như những gì chúng ta tưởng ngày hôm qua", chiến lược gia trưởng Bill O’Grady thuộc Confluence Investment Management nhận xét với hãng tin Bloomberg. "Phản ứng của thị trường trong phiên trước đó có phần hơi quá, nên giá dầu hồi phục ngày hôm nay".
Trước đó trong phiên ngày 1/9, giá dầu Brent và WTI lần lượt giảm 7% và 8% - những mức giảm theo ngày cao nhất trong vòng 4 năm qua – sau khi ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1/9.
Thậm chí, ông Trump còn đe dọa sẽ tăng thuế cao hơn nữa nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nhanh chóng hành động để đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Động thái mới nhất này của ông Trump đã làm giảm kỳ vọng của thị trường về khả năng giải quyết căng thẳng kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chuyên gia Stephen Innes thuộc công ty môi giới đầu tư VM Markets nhận định: “Sự phục hồi của phiên 2/8 có thể là do các nhà đầu tư đang đánh giá lại động thái của ông Trump và các tác động của nó”. Chuyên gia Innes cho rằng tuy sự leo thang thuế quan có gây ra những tác động làm “rung chuyển” thị trường, nhưng theo thời gian, các nhà đầu tư đã xoay sở để vượt qua lo ngại và hướng sự chú ý trở lại vào những số liệu kinh tế.
Tuy nhiên, tính cả tuần, giá dầu vẫn sụt hơn 1%. Ngoài nỗi lo từ căng thẳng thương mại, yếu tố cũng gây áp lực giảm giá dầu trong tuần này là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ra tín hiệu có thể không hạ thêm lãi suất trong năm nay.
Hiện tại, giá dầu đang chịu tác động của những yếu tố trái chiều nên có chiều hướng giằng co, chưa thể hiện rõ xu hướng tăng hay giảm.
Giá dầu một mặt được hỗ trợ bởi căng thẳng ở Vùng Vịnh và nỗ lực hạn chế sản xuất dầu mỏ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cùng với các đồng minh, dẫn đầu là Nga. Nhưng mặt khác, giá dầu chịu áp lực giảm bởi nỗi lo kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng yếu.
"Ở thời điểm hiện nay, tình trạng của nền kinh tế toàn cầu là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất đến giá dầu", nhà quản lý Mark Watkins thuộc US Bank Wealth Management nhận xét./.