Giá dầu phục hồi tại thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày 25/4, sau khi sụt giảm sáu phiên liên tiếp. Tuy nhiên, giá mặt hàng này chỉ tăng nhẹ do các nhà đầu tư thiếu niềm tin vào khả năng hạn chế tình trạng dôi dư nguồn cung dầu mỏ toàn cầu nhờ cam kết cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất chủ chốt.
Chiều ngày 25/4, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 14 xu Mỹ (0,3%) lên 49,37 USD/thùng, song vẫn dưới ngưỡng 50 USD/thùng ghi nhận vào cuối tuần trước. Trong khi đó, giá dầu Brent biển Bắc cũng tăng 14 xu Mỹ (0,27%), lên 51,74 USD/thùng.
Mặc dù tăng nhẹ trong phiên này, song giá dầu dự đoán vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi giá dầu Brent hiện vẫn thấp hơn 10% so với thời điểm cuối năm ngoái, bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng của các thành viên trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) qua thỏa thuận đạt được hồi cuối tháng 11 vừa qua.
Trước đó, ngày 24/4, Nga cho biết sản lượng dầu mỏ của nước này có thể leo lên mức cao nhất 30 năm qua nếu các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC không kéo dài thời hạn thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/6 tới.
Theo khảo sát của Thomson Reuters, xuất khẩu dầu mỏ của Nga, không tính lượng dầu xuất khẩu thông qua các đường ống dẫn, đứng ở mức cao kỷ lục 5 triệu thùng/ngày trong tháng Tư, tăng 17% kể từ tháng 12 năm ngoái, trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng chính thức có hiệu lực.
Báo cáo Schork cho rằng OPEC chưa thể cân bằng thị trường dầu mỏ. Trong khi đó, ngân hàng JPMorgan đưa ra dự báo thị trường dầu thô toàn cầu vẫn phải lo giải quyết tình trạng dư cung trong những tháng tiếp theo. Ngân hàng JPMorgan nhận định OPEC có thể gia hạn thỏa thuận đạt được cuối năm 2016 nếu tổ chức này muốn duy trì giá dầu ở mức trên 50 USD/thùng.