Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu có tuần tăng thứ 5 do đồng USD suy yếu

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ leo dốc 4,5%, giá dầu Brent tăng 2,8% ghi nhận tuần tăng giá thứ 5 trong 6 tuần qua nhờ đồng bạc xanh mất giá mạnh.

Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 năm, nhờ tồn kho dầu thô ở Mỹ tiếp tục giảm và đà giảm mạnh của đồng USD.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu đi lên sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi cho biết Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu lớn khác có thể kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung đến tận năm sau. Giá dầu tăng sau khi OPEC và Nga đã để ngỏ khả năng tiếp tục hợp tác để hạn chế nguồn cung sau khi thỏa thuận hiện tại hết hạn vào cuối năm nay, theo Rebecca O’Keeffe, trưởng bộ phận đầu tư tại Interactive Investor.
Giá dầu thế giới có tuần tăng thứ 5 trong 6 tuần.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih hôm 21/1 đã nói rằng OPEC và một nhóm các nước khác do Nga đứng đầu nên tiếp tục hợp tác về sản lượng sau khi thỏa thuận cắt giảm nguồn cung hết hạn vào cuối năm 2018.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tiếp tục tăng hôm 23/1 lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 năm, trong bối cảnh giới đầu tư kỳ vọng chính phủ Mỹ sẽ thông báo tồn kho ở nước này giảm tuần thứ 10 liên tiếp.
Naeem Aslam, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại ThinkMarkets, cho rằng sự hợp tác giữa Nga và OPEC đang ở mức cao nhất. Cả hai nước này đều cam kết cắt giảm sản lượng cho đến hết năm nay và đã ra tín hiệu gia hạn thỏa thuận sang năm sau.
Giá dầu thô Mỹ trong ngày 24/1 vượt mốc 65 USD/thùng sau khi chính phủ nước này cho biết tồn kho dầu thô của nền kinh tế số 1 thế giới giảm tuần thứ 10 liên tục. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ra báo cáo cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/1. Tồn kho dầu thô ở nước này đã liên tiếp giảm kể từ trước Lễ Tạ ơn.
Giá dầu quay đầu giảm trong những phút cuối cùng trước khi thị trường đóng cửa ngày 25/1 và để mất mức cao nhất trong vòng hơn 3 năm, sau khi đồng USD phục hồi nhờ lời phát biểu của Tổng thống Donald Trump. Giá dầu quay đầu giảm ngay sau khi CNBC đưa tin Tổng thống Trump cho rằng đồng USD sẽ tăng giá và ông cũng muốn như vậy.
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng trong phiên cuối tuần, khi đà sụt giảm của đồng USD giúp giá dầu leo dốc trong tuần qua, đồng thời nâng giá dầu WTI lên mức đóng cửa cao nhất trong hơn 3 năm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/1, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex tăng 63 xu Mỹ, tương đương 1%, lên 66,14 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất trong hơn 3 năm. Tuần qua, hợp đồng này đã vọt 4,5%, đồng thời ghi nhận tuần tăng giá thứ 5 trong 6 tuần qua.
Giá dầu Brent tăng 2,8% trong tuần.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 trên sàn Luân Đôn nhích 10 xu Mỹ, tương đương 0,1%, lên 70,52 USD/thùng, qua đó nâng tổng mức tăng trong tuần lên 2,8%.
Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 12 giàn lên 759 giàn trong tuần này. Được biết, số giàn khoan đã giảm trong 5 tuần trước đó. Cũng theo báo cáo từ EIA, sản lượng tại Mỹ đang tiến gần mốc kỷ lục 10 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, đồng USD sụt giảm trong ngày thứ Sáu khi nhà đầu tư cân nhắc các tuyên bố trái chiều từ Chính quyền Mỹ. Đồng USD suy yếu thường có mối quan hệ ngược chiều với các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh, như dầu.
Tyler Richey, đồng biên tập tại Sevens Report, nhận định: “Đà leo dốc của giá dầu đang rất mạnh mẽ ngay lúc này, khi kỳ vọng nhu cầu ngày càng tăng, đồng USD suy yếu và tác động tích cực từ chuỗi sụt giảm kéo dài của nguồn cung dầu tại Mỹ đã lấn át tác động tiêu cực từ đà tăng gần đây của sản lượng tại Mỹ”.
Ông Richey chia sẻ thêm: “Rào cản tiềm ẩn duy nhất trên thị trường dầu thế giới hiện nay là đà tăng đột ngột của sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ, vốn có thể một lần nữa gây sức ép lên giá các hợp đồng tương lai như nó đã làm trong nửa đầu năm 2016”.