Giá dầu mỏ chứng kiến tuần lao dốc đầu tiên trong hơn 1 tháng

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu Brent giảm 3,2% và dầu ngọt nhẹ WTI sụt 2,6% trong tuần qua do các nhà đầu tư gia tăng lo ngại về tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Mặc dù ghi nhận 3 phiên tăng giá trong tuần, thị trường dầu vẫn có tuần giao dịch kém khởi sắc giữa bối cảnh những lo ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ tác động tiêu cực đến nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh.
Trong phiên giao dịch ngày 25/2, giá dầu lao dốc hơn 3%, đánh dầu mức giảm lớn nhất trong một phiên tính từ đầu năm đến nay, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi OPEC giảm bớt nỗ lực giảm sản xuất nhằm đẩy giá dầu đi lên.
Tổng thống Trump cho rằng giá dầu đang tăng quá cao, và kêu gọi OPEC "điều tiết" nỗ lực thúc đẩy giá dầu. 
Tính chung trong tuần, giá dầu WTI đã giảm 2,6% và dầu Brent cũng hạ 3,2%.
Sang phiên 26/2, giá dầu phục hồi nhẹ nhờ thông tin OPEC sẽ tiếp tục kế hoạch cắt giảm sản lượng, bất chấp những chỉ trích của Tổng thống Mỹ. Một nguồn tin thân cận của OPEC cho biết tổ chức này sẽ giữ vững cam kết cắt giảm sản lượng nhằm cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Ngoài ra, OPEC sẽ hối thúc các nước thành viên và 10 nhà sản xuất ngoài khối, dẫn đẫu là Nga, tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch cắt giảm sản lượng đã đề ra để cân bằng thị trường và đưa lượng dầu dự trữ xuống mức trung bình của 5 năm. 
Giá “vàng đen” tiếp tục đi lên trong hai phiên giao dịch ngày 27/2 và 28/2, nhờ dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô thương mại dự trữ của Mỹ đã giảm 8,6 triệu thùng trong tuần (kết thúc ngày 22/2) so với tuần trước đó. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức giảm 4,2 triệu thùng mà Viện Xăng dầu Mỹ (API) công bố hôm thứ Ba (26/2). 
Tuy nhiên, giá dầu ngọt nhẹ WTI đảo chiều trong phiên giao dịch ngày 1/3, giảm hơn 2% khi dữ liệu sản xuất công nghiệp bi quan từ Mỹ làm dấy lên nỗi lo về tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Số liệu của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy hoạt động của ngành sản xuất Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016, đồng thời thấp hơn dự báo trước đó của giới phân tích - hãng tin CNBC cho hay.
Chốt phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ WTI sụt 1,42 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 55,8 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau giảm 1,32 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 64,99 USD/thùng.
Tính chung trong tuần, giá dầu WTI đã giảm 2,6% và nhích 6,4% trong tháng 2. Giá dầu Brent cũng hạ 3,2% trong tuần và tăng 6,7% trong tháng 2.
"Sự giảm tốc kinh tế đang diễn ra chắc chắn là tin xấu đối với giá dầu. Dữ liệu vừa công bố đã khiến các nhà đầu tư lo ngại", ông John Kilduff - chuyên gia thuộc Again Capital LLC, nhận xét.
Theo ông Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures Group, dữ liệu ngành sản xuất Mỹ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ trong lúc thị trường dầu mỏ đang tìm phương hướng. "Tôi cho rằng thị trường đã lo lắng từ trước, và giới đầu tư đã có phản ứng ngay sau khi xuất hiện dữ liệu này", nhà phân tích Flynn nói.
Không chỉ ngành sản xuất tại Mỹ đi xuống, một cuộc khảo sát do tư nhân tiến hành cho thấy, hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 2 giảm tháng thứ 3 liên tiếp.
Đà suy yếu cũng hiện hữu ở các quốc gia châu Á. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc suy giảm mạnh nhất trong gần 3 năm trong tháng 2/2019 khi nhu cầu từ Trung Quốc giảm thêm.
Dù vậy, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thế giới hiện vẫn đang khá vững, đặc biệt là nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ dầu diesel của Ấn Độ được dự báo sẽ lập kỷ lục trong năm 2019 do tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này có thể đạt khoảng 7%.
Giá dầu ghi nhận tuần lao dốc đầu tiên trong hơn 1 tháng.
Tuy nhiên, nếu nền kinh tế toàn cầu giảm tốc kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu, thì điều đó có thể “phủ mây đen” lên nỗ lực của OPEC và Nga cắt giảm sản lượng khai thác dầu nhằm đưa thị trường về trạng thái cân bằng.
Số liệu mới nhất cho thấy việc cắt giảm sản lượng của OPEC đã chạm mức thấp nhất trong 4 năm gần đây để hỗ trợ giá “vàng đen”. Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, OPEC khai thác 30,68 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 2, giảm 300.000 thùng/ngày so với tháng 1 và là mức sản lượng thấp nhất của khối này kể từ 2015.
Theo thỏa thuận được thực hiện từ đầu năm nay, OPEC và các đối tác gồm Nga đang giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Venezuela được miễn thực hiện thỏa thuận này, nhưng do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, xuất khẩu dầu của Venezuela đã giảm 40% trong tháng 2.
Tuy nhiên, hiệu quả từ việc OPEC giảm sản lượng cũng đang mất đi một phần tác dụng bởi sản lượng dầu liên tục lập kỷ lục của Mỹ. Theo dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu của nước này sẽ vượt con số 13 triệu thùng/ngày trong 2019.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần