Giá “vàng đen” thế giới chấm dứt 4 tuần tăng giá liên tiếp do thị trường toàn cầu vẫn bị đe dọa từ việc gia tăng hoạt động khai thác dầu đá phiến tại Mỹ. Tính chung trong tuần, giá dầu Brent giảm 1,8%,trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,5%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thế giới tiếp tục duy trì gần mức cao nhất 3 năm với giá dầu Brent đạt hơn 70 USD/thùng, nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga.
Các nhà phân tích tại Sevens Report nhận định: “Kỳ vọng nhu cầu dầu mạnh mẽ, nền kinh tế toàn cầu phát triển cùng với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC đã có tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư”.
Sang ngày 16/1, giá dầu quay đầu đi xuống do hoạt động bán ra chốt lời của các nhà đầu tư trên thị trường sau đợt tăng mạnh của giá mặt hàng này trong thời gian qua.
Được biết, nguồn cung bị thắt chặt, dự trữ toàn cầu sụt giảm cùng với nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác đã hỗ trợ giá dầu tăng cao. Dẫu vậy, đà leo dốc của nguồn cung tại Mỹ vẫn là mối quan tâm quan trọng của thị trường.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 17/1, do lượng dầu dự trữ của Mỹ được dự đoán sẽ giảm tuần thứ 9 liên tiếp.
Trong phiên giao dịch ngày 18/1, giá dầu gần như đi ngang sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa sụt 6,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 12/1, đồng thời ghi nhận 9 tuần sụt giảm liên tiếp. Tuy nhiên, EIA cũng cho biết tổng sản lượng dầu thô tăng 258.000 thùng/ngày lên 9,75 triệu thùng/ngày trong tuần trước, gần sát mức 9,789 triệu thùng/ngày đã ghi nhận được trong tuần kết thúc ngày 15/12/2017 - mức cao kỷ lục kể từ năm 1983.
Dầu đã nới rộng đà sụt giảm trong phiên giao dịch này khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu tại Mỹ sẽ tăng lên trên mức 10 triệu thùng/ngày trong năm 2018, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 1970.
Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần do lo ngại ngày càng gia tăng về đà leo dốc của sản lượng tại Mỹ.Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/1, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 trên sàn Nymex giảm 58 xu Mỹ, tương đương 0,9%, xuống 63,37 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 mất 70 xu Mỹ, khoảng 1%, còn 68,61 USD/thùng.
Tuần qua, hợp đồng dầu WTI giảm 1,5%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 12/2017, còn hợp đồng dầu Brent sụt 1,8%, qua đó ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10/2017.
Dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 19/1 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 5 giàn xuống 747 giàn trong tuần này, sau khi tăng 10 giàn trong tuần trước đó, song vẫn cao hơn rất nhiều so với con số 551 giàn khoan cách đây 1 năm.
IEA cho biết nguồn dự trữ dầu thế giới đang thắt chặt đáng kể, nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước thành viên trong và ngoài OPEC, nhu cầu tiêu thụ tăng cao và sản lượng dầu của Venezuela chạm mức thấp nhất trong 30 năm. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cảnh báo rằng tình trạng sản lượng gia tăng tại Mỹ có thể đe dọa sự cân bằng của thị trường dầu toàn cầu.