Giá dầu thô thế giới trong phiên giao dịch 8/12 tại Singapore đã giảm xuống 37USD/thùng sau khi lãnh đạo các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kết thúc hơn 6 tiếng đàm phán thất bại trong việc giảm sản lượng trong năm 2016. Đây là mức giá thấp nhất của "vàng đen" thế giới kể từ tháng 2/2009. Theo các chuyên gia, giá dầu có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới, xuống ngưỡng 32 USD/thùng do các nhà giao dịch đang chờ kết quả cuộc họp tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và những số liệu về kinh tế Trung Quốc để định hướng thị trường. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, giới doanh nghiệp đóng tàu nước này đang gánh chịu hậu quả trực tiếp từ giá dầu đi xuống. Bốn dự án giàn khoan dầu trong nửa cuối năm nay đã bị hủy khiến ba doanh nghiệp đóng tàu lớn nhất của Hàn Quốc bị thiệt hại tới hàng tỷ USD trong vòng một năm gần đây.
Các DN hóa dầu và lọc dầu của Hàn Quốc lao đao vì giá "vàng đen" lao dốc.
|
Giới doanh nghiệp xây dựng cũng lao đao do kinh tế các nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông đình trệ, khiến tổng giá trị trúng thầu các công trình xây dựng ở khu vực này chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp hóa dầu và lọc dầu trong nước cũng đang lo ngại nếu tình hình giá dầu bất ổn thì quá trình nhập dầu thô, lọc và bán ra sẽ khó thu được lợi nhuận. Đặc biệt, do đơn giá các sản phẩm dầu mỏ giảm, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong lĩnh vực này đã giảm từ thứ hai thế giới trong năm ngoái xuống thứ bảy trong năm nay. Tình hình giá dầu giảm không chỉ ảnh hưởng tới các quốc gia sản xuất dầu mỏ mà còn đang trở thành yếu tố gây đình trệ kinh tế các quốc gia phát triển và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu của Hàn Quốc.