Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 2/11 tuyên bố nước này tạm thời chấp thuận để 8 quốc gia tiếp tục mua dầu thô của Iran.
Cụ thể, giá dầu Brent hạ 30 xu Mỹ/thùng xuống mức 72,53 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng sụt 30 Mỹ, hiện được giao dịch ở mức 62,84 USD/thùng.
Giá cả 2 mặt hàng dầu chủ chốt này tính đến hiện tại đã trượt dốc hơn 15% kể từ khi đạt mức cao nhất trong 4 năm hồi đầu tháng 10, do các quỹ phòng hộ đã cắt giảm giá đặt cược vào dầu thô xuống mức thấp nhất trong 1 năm, theo dữ liệu mới nhất.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp dụng lại toàn bộ các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng của Iran từ ngày 5/11.
Hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, được biết đến với tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ký hồi năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), đồng thời tái áp đặt hai vòng trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Các lệnh trừng phạt này nhằm vào tất cả lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 4/11 nói rằng các biện pháp mà Mỹ chính thức áp đặt trở lại từ ngày 5/11 "là những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất từng được áp đặt với nước Cộng hòa Hồi giáo này".
Trong khi đó, cùng ngày, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran Hassan Rohani khẳng định, nước này sẽ vẫn bán dầu mỏ và phá vỡ các lệnh trừng phạt do Mỹ tái áp đặt. Tổng thống Rohani nhấn mạnh, Tehran sẽ bỏ qua các lệnh trừng phạt bất hợp pháp và bất công của Mỹ, bởi chính sách này đi ngược lại các quy tắc quốc tế.
Surfeit Vijayakar - Giám đốc tư vấn năng lượng Trisect cho biết: “Tác động của gói trừng phạt thứ hai của Mỹ đối với ngành dầu mỏ của Iran được hạn chế phần nào nhờ việc nới lỏng của Washington”.
Truyền thông nước ngoài ngày 5/11 đưa tin, Hàn Quốc đã được miễn các lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt đối với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ Iran, sau nhiều tháng thương lượng giữa hai nước.
Trên thị trường dầu toàn cầu, lường trước nguy cơ nguồn cung có thể thiếu hụt sau thời điểm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran chính thức có hiệu lực, các nhà sản xuất “vàng đen” lớn nhất thế giới đã tăng sản lượng trong những tháng qua.
Thống kê cho thấy sản lượng dầu của Nga, Mỹ và Ả Rập Saudi đã lần đầu tiên đạt mức 33 triệu thùng/ngày trong tháng 10, tăng 10 triệu thùng/ngày kể từ năm 2010 và riêng 3 nhà sản xuất lớn này hiện đáp ứng hơn 30% nhu cầu dầu thế giới.
Tại Trung Đông, Công ty Dầu quốc gia Abut Dhabi cũng có kế hoạch nâng công suất sản xuất dầu lên 4 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2020 và 5 triệu thùng/ngày vào năm 2030, tăng mạnh so với sản lượng hiện tại chỉ hơn 3 triệu thùng/ngày.