Giá dầu kỳ hạn tại thị trường châu Á chạm mức cao nhất của gần một tháng do kỳ vọng lớn về việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ được gia hạn.
Trên thị trường Tokyo, giá dầu Brent Biển Bắc tăng thêm 0,28 USD, tương đương 0,5%, lên 52,79 USD/ thùng. Trước đó trong cùng phiên, giá dầu Brent đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 21/4.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 0,29 USD (hay 0,6%) lên 49,64 USD/ thùng - mức cao nhất kể từ ngày 26/4.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và WTI đang được dự báo tăng gần 4% và sẽ là tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.
Kể từ đầu tháng Ba tới nay, giá dầu thô đã dao động mạnh trong khoảng từ 56 USD/thùng xuống dưới 47 USD/thùng.
Các nhà phân tích thị trường đang kỳ vọng vào khả năng các nước OPEC, Nga và một số quốc gia khác sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ, có thể đến tháng 3/2018. Tuy nhiên, tình trạng dư cung trên thị trường thế giới vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt khi số liệu thống kê mới nhất cho thấy lượng dầu thô xuất khẩu của Saudi Arabia - nhà sản xuất dầu nhiều nhất trong OPEC - trong tháng 3/2017 đã tăng thêm 275.000 thùng/ngày so với tháng Hai. Lượng dầu dự trữ của Saudi Arabia cũng tăng lên.
Theo số liệu Cơ quan Năng lượng (EIA) công bố hôm thứ Tư, trong tuần tính đến ngày 12/5, dầu thô tồn kho giảm 1,75 triệu thùng, ghi nhận 6 tuần giảm liên tiếp, nhưng vẫn thấp hơn so với kỳ vọng là sẽ giảm khoảng 2,4 triệu thùng.
Bất chấp những nỗ lực trong việc thực hiện cam kết cắt giảm của các thành viên OPEC để kiềm chế nguồn cung, sản lượng toàn cầu vẫn duy trì trên mức trung bình trong 5 năm, vì các nước không thuộc OPEC và không nằm trong thỏa thuận cắt giảm đã tăng sản xuất.
Trong báo cáo tháng công bố vào thứ Năm (11/5) tuần trước, OPEC ước tính sản xuất của các thành viên ngoài OPEC tăng 950.000 thùng/ngày.
Các nhà lãnh đạo OPEC và một số nước sản xuất dầu lớn khác sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 25/5 tới để bàn thảo về chính sách khai thác dầu mỏ.