Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu sắp có tuần tăng đầu tiên nhờ kỳ vọng OPEC+ giảm sâu sản lượng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu ổn định trong phiên 14/2, đang trên đà ghi nhận tuần phục hồi sau 5 tuần giảm liên tiếp nhờ sự lạc quan vào nguồn cung được cắt giảm.

Giá “vàng đen” giảm nhẹ trong phiên cuối tuần, song sắp chứng kiến tuần tăng đầu tiên sau 5 tuần lao dốc do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khởi phát từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) từ cuối năm ngoái.
Thị trường dầu mỏ ghi nhận đà phục hồi giá trong tuần này nhờ kỳ vọng rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, để hạn chế ảnh hưởnng do nhu cầu tăng chậm ở Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên 14/2.
Cụ thể, giá dầu Brent hạ 9 xu Mỹ, được giao dịch ở mức 56,25 USD/thùng sau khi tăng 1% trong phiên trước đó. Giá mặt hàng dầu này đang trên đà chứng kiến tuần leo dốc hơn 3,3% lần đầu tiên kể từ ngày 10/1.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt nhẹ 1 xu Mỹ, xuống còn 51,41 USD/thùng. Tính đến phiên ngày 14/2, giá dầu WTI nhích 0,5% và sắp đạt mức tăng hơn 2,2% trong tuần nay.
Hiện tại, giá dầu thô đã giảm khoảng 20% ​​so với mức đỉnh thiết lập hôm 8/1 do lo ngại về tình trạng dư cung cùng với sự sụt giảm về nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc trong bối cảnh dịch COVID-19 làm đình trệ các hoạt động kinh tế tại nước này.
Để hạn chế đà lao dốc của giá “vàng đen trong bối cảnh sự lây lan COVID-19 chưa được kiểm soát, các nước OPEC cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, đang cân nhắc cắt giảm sản lượng tới 2,3 triệu thùng/ngày để cân bằng nguồn cung - cầu trên thị trường.
Bên cạnh đó, một số nhà phân tích dầu mỏ cho rằng tác động từ dịch COVID-19 đối với nhu cầu dầu mỏ hiện mới chỉ giới hạn tại Trung Quốc.
Helima Croft - Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Citadel Magnus, nhận xét: “Sự lây lan của COVID-19 chủ yếu tập trung tại Trung Quốc, song tâm lý của các thương nhân phần nào vẫn bị ảnh hưởng từ những thông tin mới nhất liên quan đến diễn biến của dịch COVID-19. Dẫu vậy, xét về các yếu tố cơ bản, chúng tôi nhận định tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu mỏ do dịch bệnh này chỉ xảy ra tại thị trường Trung Quốc và hiện vẫn chưa lan rộng đến nhu cầu toàn cầu”.
Tuy nhiên, một số tổ chức quốc tế vẫn bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đối với thị trường năng lượng thế giới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 13/2 cho biết, nhu cầu dầu mỏ trong quý I/2020 sẽ giảm so với cùng thời điểm năm ngoái do dịch COVID-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo dự báo của IEA, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm 435.000 thùng/ngày trong quý I/2020, thấp hơn quý I/2019. Đây là quý đầu tiên nhu cầu giảm trong vòng 10 năm qua, báo cáo của IEA cho biết.
Nhu cầu sụt giảm đã khiến IEA hạ dự báo tăng trưởng thị trường vào khoảng 365.000 đến 825.000 thùng/ngày, số liệu thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Nền kinh tế Trung Quốc trong quý I dự kiến ​​sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009, theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến ​của các nhà kinh tế do Reuters thực hiện.