Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu sụt giảm - Rủi ro hay cơ hội với nền kinh tế?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự sụt giảm của giá dầu thời gian qua có thể kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn nhưng các nhà hoạch định có nhiều lý do để lo lắng cho sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt khoảng 3% trong năm nay và 3,3% trong năm tới, thấp hơn dự báo 3,4% và 3,5% được đưa ra hồi tháng 6/2014.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thông thường giá dầu sẽ giảm trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng thấp, nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia nhập dầu sụt giảm. Nhưng việc dầu mất gần 60% giá trị chỉ trong vài tháng là vô cùng bất thường bởi kinh tế Mỹ đã bắt đầu phục hồi và nhiều nước đang thực hiện chương trình kích thích tăng trưởng. Vì thế các chuyên gia cho rằng, dư cung – yếu cầu thực ra chỉ là một yếu tố phụ khiến dầu mất giá. Nguyên nhân sâu xa  được cho là bắt nguồn từ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới. Trên thực tế, giá dầu được định giá bằng USD nên trong 6 năm FED duy trì lãi suất thấp kỷ lục gần bằng 0, các nhà đầu cơ đã đẩy mạnh hoạt động vay tiền để mua dầu. Số liệu cho thấy, ít nhất 9 tỷ USD đã được vay để đầu cơ dầu. Tuy nhiên trước những đồn đoán về việc FED sẽ tăng lãi suất do triển vọng kinh tế khả quan, nhiều nhà đầu tư đã bán tháo dầu để trả nợ, giảm thiểu áp lực nợ nần. Việc dầu lao dốc thê thảm ngay cả khi FED chưa tăng lãi suất là lời cảnh báo với các thị trường hàng hóa khác và kinh tế toàn cầu bởi các nhà đầu tư vay vốn không chỉ để mua dầu.
Công nhân làm việc tại một mỏ dầu ở  Iraq.                                                                          Ảnh: NBCNEWS
Công nhân làm việc tại một mỏ dầu ở Iraq. Ảnh: NBCNEWS
Ngoài ra, tình trạng tăng trưởng trì trệ tại nhiều nước châu Âu có thể di chuyển một số nền kinh tế lớn vào vùng giảm phát và kéo dài “di sản” của cuộc khủng hoảng tài chính. Giảm phát tại một số quốc gia Eurozone và Nhật Bản không chỉ ảnh hưởng đến các trung tâm tài chính - ngân hàng lớn như Thụy Sĩ và Anh mà còn tác động tiêu cực đến các nước Đông Âu, Bắc Phi và Nam Á, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu châu Âu.

Kẻ thắng - người thua

Với vai trò quan trọng của mình, biến động của giá dầu đã tạo ra một cuộc chơi khốc liệt, nơi kẻ thắng và người thua đều phải hứng chịu rủi ro và có thể nhìn ra không ít cơ hội. Giá dầu thấp sẽ là liều thuốc bổ với một số quốc gia đang phát triển kiềm chế lạm phát và người dân tại các nước châu Âu đang phải vật lộn với tình trạng tăng lương thấp tiết kiệm được một khoản ngân sách đáng kể. Đây cũng là cơ hội vàng để một số nước nhập khẩu dầu như Trung Quốc và Ấn Độ mua dầu bổ sung cho kho dự trữ, tích lũy cho chu kỳ tăng trưởng tiếp theo.

Tuy nhiên, các chuyên gia của WB cũng cảnh báo giá dầu giảm sẽ là liều thuốc độc làm tổn thương quá trình tăng trưởng ở các nước xuất khẩu dầu mỏ. Dù hầu hết các nước xuất khẩu dầu đều có kho dự trữ vàng và ngoại tệ đủ lớn để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhưng tình trạng giá thấp nếu tiếp tục kéo dài sẽ làm suy yếu nguồn lực tài chính và khiến các nền kinh tế vốn không bền vững tại Trung Đông, Trung Á và Mỹ Latin bị thiệt hại. Trong trường hợp giá dầu hiện tại giữ nguyên, việc thoát khỏi khủng hoảng của Nga sẽ đòi hỏi những cải cách cơ cấu vốn thường mất khoảng từ 6 đến 8 năm. Điều ngạc nhiên là trong khi Nga, Iraq, Venezuela bị coi là những kẻ thua cuộc lớn nhất trong cuộc chơi giảm giá dầu, rất ít người nhận ra Mỹ sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo nếu dầu tiếp tục giao dịch ở vùng giá thấp. Ngành công nghiệp khai thác dầu khí đá phiến sét của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Những cơ sở khai thác tại Texas và Bắc Dakota nếu bị đóng cửa sẽ làm gia tăng tình trạng thất nghiệp tại đây.

Cơ hội tìm lại sức mạnh

Tất nhiên trong rủi ro, cơ hội vẫn tiềm ẩn, nhất là với những nhà lãnh đạo có khả năng phát hiện ra chúng. Giá dầu giảm mạnh đã giáng đòn mạnh vào nước Nga, nhưng Tổng thống Putin khiến chúng ta phải bất ngờ bởi ông đã nhìn nhận cuộc khủng hoảng như một cơ hội để trẻ hóa nền kinh tế, chính trị đã trở nên lỗi thời.

52% thu ngân sách của Nga đến từ nguồn xuất khẩu dầu nên giá dầu sụp đổ liên tục trong vài tháng qua là một cú sốc lớn không chỉ đối với nền kinh tế Nga, mà còn đối với hệ thống chính trị, buộc chính phủ phải đối mặt với những lựa chọn khắc nghiệt. Thế nhưng thay vì lựa chọn con đường tăng cường kiểm soát nền kinh tế, trong thông điệp Liên bang đọc ngày 4/12/2014, ông Putin thẳng thắn chỉ ra những thách thức mà nước Nga phải đối mặt trong quá trình tìm lại sức mạnh. Theo đó, nước Nga sẽ tăng cường tự do hóa và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, loại bỏ các quy định phức tạp và cải cách bộ máy quan liêu. Xác định Nga sẽ không  thể lấy lại giá trị thật của mình nếu vẫn duy trì cơ cấu chính trị, mô hình điều hành kinh tế như hiện tại.

Vàng đang “lấp lánh”

Trong khi Nga đã tìm thấy cơ hội tái định hình nền kinh tế, giá dầu giảm cũng tiếp thêm sức mạnh cho giá vàng trong trung hạn. Dù tiền điện tử dần chiếm ưu thế trong các giao dịch toàn cầu nhưng sức hấp dẫn của vàng vẫn không hề thay đổi. Triển vọng tăng giá của vàng được hỗ trợ từ sự suy giảm của các thị trường chứng khoán, dầu và đồng Euro. Chiến thắng được dự đoán của đảng đối lập Syriza trong cuộc tổng tuyển cử tại Hy Lạp có thể khiến Athens rời khỏi Eurozone và thúc đẩy một cuộc khủng hoảng mới tại châu Âu - yếu tô sẽ giúp vàng củng cố sức mạnh. 

Ngoài ra với tư cách là một hàng rào chống lại lạm phát, các chuyên gia cho rằng, giá vàng sẽ tăng trong trung hạn khi nỗi lo giảm phát, đặc biệt là sự giảm giá trị của đồng tiền quốc gia đang hiện diện ở nhiều nền kinh tế. Động thái nới lỏng định lượng và sẵn sàng in tiền của ngân hàng T.Ư Nhật Bản, châu Âu đang gieo những hạt giống của lạm phát trong tương lai và thúc đẩy nhiều quỹ đầu cơ rút tiền từ dầu để mua vàng.

Với các diễn biến như hiện nay, liệu, thế giới có bước vào thập kỷ dầu giá rẻ với mức giả chỉ 20 USD/thùng như những năm 1990 hay thị trường sẽ biến động theo quỹ đạo điều chỉnh lãi suất của FED. Đây là câu hỏi rất khó trả lời bởi dầu đang chịu tác động rất lớn từ những yếu tố địa chính trị và chiến lược điều hành kinh tế rất khác nhau của các nước. Giá dầu vì thế là rủi ro hay cơ hội đối với nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược kinh doanh của các nhà đầu cơ lớn, bản lĩnh của các nhà điều hành và lợi ích mục tiêu của các nước lớn.