Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu thế giới giảm phiên thứ 4 liên tiếp

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong ngày 2/3, giá "vàng đen" tiếp tục giảm phiên thứ 4 liên tiếp cùng với đà lao dốc của thị trường chứng khoán châu Á do những lo ngại về một cuộc chiến thương mại liên quan đến kế hoạch của Mỹ về nâng thuế nhập khẩu thép và nhôm.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu Brent đã giảm 2 xu Mỹ xuống 63,81 USD/thùng sau khi mất 1,4%, xuống còn 63,83 USD/thùng trong phiên giao dịch trước đó.
Giá dầu giảm phiên thứ 4 liên tiếp trong ngày 2/3.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng hạ 11 xu Mỹ (tương đương 0,2%) xuống 60,88 USD/thùng sau khi đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần là 60,18 USD/thùng vào phiên thứ Năm.
Trong phiên giao dịch ngày 1/3, giá dầu thế giới giảm hơn 1%, chạm mức thấp nhất  trong 2 tuần qua, trong bối cảnh chứng khoán Mỹ giảm điểm và tâm lý lo ngại về đà tăng của sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ. 
Thị trường Phố Wall đã giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 1/3 sau khi Tổng thống Trump thông báo tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm. 
Tính chung cả tuần, dầu Brent và dầu WTI đang hướng đến mức giảm lần lượt là 5,2% và 4,2%. 
Matt Smith, phụ trách kinh doanh tại ClipperData nhận định giá dầu đã chịu ảnh hưởng của thị trường chứng khoán kể từ khi diễn ra tình trạng bán tháo cổ phiếu vài tuần trước. Ngoài ra, đồng USD mạnh cũng tác động tới giá dầu thế giới. 
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 23/2, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 3 triệu thùng, vượt mức dự kiến tăng 2,1 triệu thùng đưa ra trước đó.
Bên cạnh đó, giá năng lượng còn chịu sức ép đi xuống từ số liệu thống kê của EIA, trong đó điều chỉnh sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 11/2017 lên mức kỷ lục 10,057 triệu thùng/ngày.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 23/2, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 3 triệu thùng.
Các số liệu theo tuần cũng cho thấy khả năng những con số trên sẽ còn tăng thêm và đạt mức kỷ lục mới trong tương lai. 
Theo các chuyên gia, việc sản lượng dầu của Mỹ tăng 20% kể từ giữa năm 2016 có tác động tiêu cực đến giá dầu trong năm nay, bất chấp nỗ lực cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga.
Ngoài ra, theo nhà phân tích thị trường Ric Spooner của công ty CMC Markets có trụ sở tại Sydney (Australia), thị trường dầu thế giới sẽ còn bị ảnh hưởng bởi sự biến động của đồng USD và khả năng Chính phủ của Tổng thống Trump sẽ áp đặt mức thuế nhập khẩu mới lên nhôm và thép.
Theo kế hoạch, OPEC sẽ tổ chức một cuộc gặp với các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tại Houston vào ngày 5/3 tới. Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy OPEC đang nỗ lực mở rộng những cuộc thảo luận về cách thức kiểm soát tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường dầu toàn cầu.