Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ ở mức 58,05 USD/thùng, giảm 31 xu Mỹ so với đóng cửa phiên trước. Giá loại dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng chạm mức chưa từng thấy kể từ giữa năm 2015 trong 2 tháng qua trong phiên ngày 21/12.
Trong khi đó dầu thô Brent kỳ hạn, giao dịch ở mức 64,66 USD/thùng, giảm 24 xu Mỹ. Trong phiên giao dịch ngày 21/12 dầu thô Brent đóng cửa ở mức 64,90 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 6/2015.
Thị trường dầu chứng kiến phiên giảm giá trong ngày 22/12 phần lớn do triển vọng nguồn cung ngày càng tăng đã kích thích các thương nhân bán tháo hợp đồng mua vào trước khi kết thúc năm nay.
Khối lượng giao dịch của thị trường thu hẹp lại trong phiên ngày hôm nay do các nhà giao dịch giảm bớt giao dịch trước đợt nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm mới.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường tại công ty mối giới kỳ hạn Oanda ở Singapore cho biết: “Thị trường dầu thế giới giao dịch kém khởi sắc do thiếu đà tăng trong mùa nghỉ lễ”.
Bên cạnh đó, giá dầu rời khỏi mức cao nhất ghi nhận được kể từ năm 2015 trong bối cảnh sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng lên và dự báo tuyến đường ống dẫn dầu Fortie ở Biển Bắc, có khả năng vận chuyển 450.000 thùng/ngày, sẽ hoạt động trở lại vào tháng 1/2018.
Tuy nhiên, các thị trường vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ thỏa thuận cắt giảm lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga dẫn đầu.
Các thành viên trong và ngoài OPEC đã nhất trí gia hạn thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu khai thác đến hết năm 2018 nhằm giảm nguồn cung để tái cân bằng thị trường toàn cầu. Các chuyên gia phân tích cho biết trong dài hạn, sản lượng dầu tại Mỹ, mà tiến nhanh đến gần mức 10 triệu thùng/ngày, cũng gây sức ép cho giá dầu, và ảnh hưởng tới nỗ lực thắt chặt nguồn cung trên thị trường và nâng giá dầu lên của OPEC.
Công ty tư vấn Rystad Energy cho rằng sản lượng dầu của Mỹ liên tục gia tăng sẽ tác động đến thị trường dầu thế giới trong năm 2018 và 2019.