Bên cạnh đó, sự tăng giá mạnh của đồng USD cũng gây sức ép giảm giá lên "vàng đen", mặt hàng vốn được giao dịch bằng đồng bạc xanh.
Trong tuần, mức giá thấp nhất được ghi nhận trong phiên thứ Tư (18/3) với giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chìm xuống tận 42,05 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.
Ảnh minh họa.
|
Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ đã phục hồi khá mạnh sau đó, đặc biệt là trong phiên cuối tuần 20/3, chủ yếu do đồng USD quay đầu giảm so với các đồng tiền chủ chốt và thị trường có những điều chỉnh khi dầu WTI kết thúc hợp đồng tháng 4/2015.
Phiên này, đồng bạc xanh đã trượt xuống còn 1,0808 euro/USD và 120 yen/USD, rời khá xa khỏi mức cao nhất trong 12 năm qua so với đồng euro là 1,0500 USD/euro, được lập trong phiên đầu tuần 16/3.
Đóng cửa phiên cuối tuần ngày 20/3 tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 4/2015 tăng thêm được 1,76 USD lên chốt phiên và chốt tuần ở 45,72 USD/thùng, cao hơn một chút so với mức chốt của một tuần trước đó là 45,28 USD/thùng.
Trong khi đó, tại thị trường London giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2015 cũng tăng 89 xu Mỹ lên chốt phiên và chốt tuần ở 55,32 USD/thùng, thấp hơn một chút so với mức chốt của trước đó một tuần là 55,99 USD/thùng.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, sự phục hồi của thị trường dầu mỏ chỉ là nhất thời bởi những yếu tố cơ bản tác động đến thị trường này, đặc biệt là xu hướng gia tăng dầu dự trữ tại Mỹ, hiện vẫn chưa có dấu hiệu biến chuyển và nhiều khả năng giá dầu vẫn chỉ loanh quanh ở trên mức thấp nhất sáu năm qua một chút.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, kho dầu dự trữ của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 13/3 đã tăng 9,6 triệu thùng lên mức cao nhất trong ít nhất là 80 năm qua.
Đây cũng là tuần tăng thứ mười liên tiếp của kho dầu dự trữ Mỹ. Thêm vào đó, theo chuyên gia phân tích cấp cao Kash Kamal thuộc công ty môi giới Sucden, cũng trong tuần qua, lượng dầu dự trữ tại phần lớn các nước châu Âu, châu Á cũng đều tăng lên.
Điều này càng khiến các nhà đầu tư thêm quan ngại về nhu cầu dầu đang khá yếu trên toàn cầu.