Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá điện lẽ ra phải tăng trước Tết nguyên đán

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương sẽ xem xét và quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tăng giá điện trong tháng 3/2015.

Trả lời câu hỏi của báo chí về giá điện, tại họp báo Chính phủ chiều nay (2/3), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Trước Tết, mặc dù đã có đầy đủ những điều kiện để có thể điều chỉnh giá điện nhưng xét đến việc có thể ảnh hưởng tâm lý người dân, đến các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không tăng giá điện.

Còn sau Tết, theo đề xuất của EVN, tùy theo thẩm quyền nếu tăng từ 7-10%, Bộ Công Thương sẽ có xem xét và quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2015. Còn nếu trên 10% thì EVN trước tiên sẽ báo cáo Bộ Tài chính, khi có ý kiến của EVN và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét”.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đang trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh V.H
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đang trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh V.H
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng giải thích thêm về thắc mắc giá dầu giảm thì có thể giảm được giá điện hay không? Rất đáng tiếc là điện sản xuất qua xăng dầu chỉ chiếm có 0,55% sản lượng điện chúng ta đang sản xuất. Như vậy gần như có thể nói giá dầu trên thế giới giảm nhưng không tác động đến yếu tố cấu thành giá điện. Trong khi đó, có nhiều mặt hàng, yếu tố làm ảnh hưởng đến giá điện, ví dụ như giá than tăng đến 22% tính đến 22/7/2014 so với 1/8/2013, trong khi lượng điện được sản xuất bằng nhiệt điện chiếm tới 32,37%. Rồi giá khí có tăng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tăng rất nhiều lần, 1/4/2014 tăng 1 lần, đến 1/7/2014 tăng lần 2, lần 3 là 1/10 và gần đây nhất là 1/1/2015. Những yếu tố cấu thành giá điện như vậy tăng, tỷ giá bình quân cũng tăng, kể cả thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, kể cả giá mua điện từ các nhà máy có công suất từ 30MW trở xuống cũng đều tăng.

Về so sánh giá điện của Việt Nam và các nước khác, và liệu có đúng như những nhà tư vấn, kiểm toán quốc tế đã nêu là sản xuất điện dưới giá thành hay không, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: hiện nay tỷ lệ hao tổn điện của chúng ta rất lớn, chỉ so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam trước đây có mức giá khoảng 6,27 cent/1 kWh điện, hiện nay mới tăng lên được 7,7 cent/1 kWh điện, trong khi ở Philippines xấp xỉ gần gấp 3 chúng ta: 21,72 cent/1 kWh điện, Singapore là 21,3 cent/1 kWh điện, gần chúng ta là Thái Lan cũng là 10,65 cent/1 kWh điện, Malaysia là 7,29 cent/1 kWh điện. Đó là điện sinh hoạt, còn điện thương mại ở các nước khác cũng là gấp đôi, gấp ba điện ở Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết thêm: Trong tháng 3, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì chắc chắn báo chí sẽ được biết hết sức chi tiết về vấn đề này.

Theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện) với mức từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: “Các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định; do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương”.