KTĐT - Nói về tiêu hao điện thì một nhà máy sản xuất ra phôi, sau đó là thép cán thì có nhà máy tiêu hao 400 kWh điện/tấn, nhưng có nhà máy tiêu hao đến 700 kWh/tấn vẫn tồn tại.
Giá điện rẻ đang được nhiều ý kiến cho là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nguy cơ “bội thực” nhà máy của ngành thép Việt Nam.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, đó chỉ là sự suy đoán. Thực tế của việc tồn tại nhiều dự án thép hiện nay lại đến từ một nguyên nhân khác, khá “tế nhị”.
Ông Cường nói:
- Ngành công nghiệp thép Việt Nam khởi đầu từ khu gang thép Thái Nguyên từ năm 1969, nhưng qua một thời kỳ dài chiến tranh, ngành này không phát triển được nhiều. Sau đó vào thời kỳ kinh tế xã hội chủ nghĩa, lại nhận viện trợ là chính, nên cũng không phát triển. Chỉ sau năm 2000 trở đi mới bắt đầu có sự đổi mới với sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân vào ngành này, còn trước đó chỉ có của nhà nước.
Do quá trình hình thành mới lại chịu ảnh hưởng của lịch sử, nên việc tồn tại nhiều công nghệ khác nhau, trong đó khá nhiều là công nghệ lạc hậu, thậm chí có rất nhiều thiết bị rất lạc hậu từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước cũng là điều dễ hiểu.
Trong số 31 đơn vị sản xuất thép xây dựng hiện nay thì đa phần là sử dụng công nghệ lạc hậu, công nghệ lạc hậu có cải tiến và một số là sử dụng công nghệ tiến tiến nhưng rất hạn hữu.
Chính vì công nghệ lạc hậu như thế nên nảy sinh ra một số vấn đề: chất lượng sản phẩm không cao, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, năng lượng cao nên dẫn đến giá thành cao, tính cạnh tranh thấp nên chúng ta luôn phải đối phó với thép ngoại giá rẻ tràn vào.
Bên cạnh đó, do chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của hội nhập, vẫn còn tồn tại sự bảo hộ của nhà nước nên những nhà máy có công nghệ lạc hậu vẫn sống được trong thời gian khá lâu. Hiện nay mới bắt đầu xuất hiện hiện tượng đi chào bán do sức ép về vốn từ ngân hàng của một số nhà máy.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc các dự án, các nhà máy không chịu cải tiến, đổi mới công nghệ là do giá điện của Việt Nam khá rẻ nên các nhà đầu tư mới tranh thủ?
Tôi khẳng định rằng, cho dù một dự án thép sẽ tiêu thụ điện tương đương lượng điện của cả một tỉnh, thành nào đó, nhưng không có chuyện xuất khẩu năng lượng giá rẻ, vì giá điện chỉ chiếm 5 - 6% trong giá thành sản xuất thép. Giá điện tăng vừa qua chỉ khiến giá thép tăng 0,5%, nên không đáng kể mà chủ yếu là do giá nguyên liệu như quặng, than, tỷ giá... tăng mạnh.
Giá điện hiện nay của chúng ta chỉ hơn 5 cent/kWh, trong khi thế giới khoảng 7 cent nên chúng ta cũng sẽ có lộ trình tăng giá lên để bằng giá thế giới. Tuy nhiên chúng ta chỉ tăng dần chứ không thể tăng một lần lên 7 cent được. Để tiết kiệm điện, chúng tôi hoan nghênh chủ trương của ngành điện sẽ cắt điện đối với những nhà máy ngoài quy hoạch.
Nếu nói ngành thép tận dụng điện giá rẻ để xuất khẩu là không đúng bởi thực chất nếu đầu tư lớn, quy mô thì họ sẽ làm nhà máy điện ngay trong nhà máy thép, tức là sử dụng chu trình khép kín từ việc sử dụng khí của nhà máy để phát điện, điện đấy mới cung cấp cho sản xuất thép mới đủ. Họ chỉ mua điện khi sửa chữa lò cao, lò cốc cán thép.
Vậy nếu không vì điện giá rẻ thì việc có khá nhiều dự án thép, lại sử dụng công nghệ lạc hậu là vì lý do gì?
Nói về tiêu hao điện thì một nhà máy sản xuất ra phôi, sau đó là thép cán thì có nhà máy tiêu hao 400 kWh điện/tấn, nhưng có nhà máy tiêu hao đến 700 kWh/tấn vẫn tồn tại. Đây không phải là do sử dụng điện giá rẻ mà là do hạch toán chưa trung thực vì vẫn còn sự bảo trợ của nhà nước.
Đối với quy hoạch ngành thép thì đến nay cũng hơn 3 năm và đã trở nên lạc hậu. Đáng chú ý là cơ quan quản lý, lập quy hoạch các địa phương cũng “phá” quy hoạch. Bởi lẽ, dựa trên quy hoạch đó nhưng khi đi đàm phán với các nước, thấy họ muốn đầu tư vào ngành thép thì mời họ vào luôn chứ không có sự lựa chọn, cân nhắc gì cả. Liên danh thép Lion - Vinashin đã bị Thủ tướng rút giấy phép là một dụ.
Bên cạnh đó, việc quy định cho các địa phương được cấp phép dự án có vốn dưới 1.500 tỷ nên trong thời gian qua, các địa phương đã “ra sức” cấp giấy phép dự án, trong đó phần lớn là dự án thép. Thậm chí có nhiều dự án có 3 - 4 liên hợp thép xin đầu tư dự án.
Có nhiều dự án vẫn tồn tại là vì “sĩ diện” của nhiều địa phương vì đã trót thu hồi đất của hàng trăm hộ dân.
Vài năm trước, mặc dù Bộ Công Thương sau khi phát hiện ra ngành thép bị vỡ quy hoạch đã có văn bản yêu cầu các địa phương chỉnh đốn, chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Bộ. Tuy nhiên các địa phương đã không chấp hành. Do đó, đến nay tổng công suất thiết kế đã gấp đôi nhu cầu thép.
Dự kiến đến hết cuối năm nay, có thể sẽ có thêm khoảng 2 triệu tấn công suất thép xây dựng, nâng công suất lên khoảng 10 triệu tấn năm, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 5,5 triệu tấn.
Chưa tính đến chuyện tiêu cực trong khi cấp giấy phép, thì có một nguyên nhân quan trọng của việc tồn tại nhiều nhà máy thép hiện nay là do lãnh đạo địa phương đều xem các dự án thép như là một thành tích trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho địa phương mình.
Còn đối với các doanh nghiệp thép, nếu đúng nghĩa thì họ không có hiệu quả kinh tế. Nhưng họ vẫn tồn tại vì nếu xây dựng một nhà máy thép ở Bắc Kạn, Cao Bằng... thì họ không lãi ở thép mà họ lãi ở việc đào quặng lên rồi mang đi bán chứ không để sản xuất thép.
Tôi biết chắc chắn Tổng công ty Khoáng sản (thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản) có nhà máy thép ở Cao Bằng, nhưng họ làm thép thì lỗ nên họ phải bán quặng để thu lợi.
Ông có quan ngại trước thực tế các dự thép thép phần lớn là của nhà đầu tư ngoại?
Đúng là các liên hợp thép lớn đang xây dựng hầu hết là 100% vốn nước ngoài. Tôi cũng băn khoăn trước thực tế này. Nếu xét về công suất khoảng 15 triệu tấn trong vài năm tới thì ngành thép của chúng ta đứng đầu Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nếu cứ để cho các nhà đầu tư nước ngoài làm chủ các liên hợp thép thì nhiêu khi chúng ta cũng không chủ động được trong sản xuất và phân phối sản phẩm thép.
Tôi cho rằng, chúng ta nên có lựa chọn nhà đầu tư, nên có một tỷ lệ cổ phần nhất định để có thể kiểm soát được hoạt động cua các liên hợp này. Chúng ta cần lưu ý, Trung Quốc cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào nhưng không bao giờ cho phép nắm giữ quá 30% cổ phần.
Hơn nữa, họ quy định công nghệ đầu tư phải là công nghệ mà quốc gia này chưa có. Tuy nhiên, chúng ta lại vướng vào chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.