Xã thiếu chủ động
Sau hơn 4 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Gia Lâm đã đạt được kết quả khả quan với nhiều xã đạt cao về số tiêu chí. Trong đó có 4 xã đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM là Đa Tốn, Yên Viên, Bát Tràng, Kiêu Kỵ. Trong số 16 xã còn lại, có 11 xã đạt và cơ bản đạt 15 - 18 tiêu chí, 5 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Đây là một kết quả khá cao so với mặt bằng chung toàn TP. Nhiều xã của huyện Gia Lâm như Đa Tốn, Bát Tràng trở thành hình mẫu xây dựng NTM được nhiều địa phương trên địa bàn TP và các tỉnh, thành đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Chuyển đổi sang sản xuất đa canh tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh: Quang Thiện
|
Dù bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, song theo ông Nguyễn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn còn không ít khó khăn. Trong đó, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; ở một số nơi, người dân chưa quan tâm đến sản xuất. Đáng nói, ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất, dẫn tới tình trạng nông dân còn bỏ ruộng hoang. DĐĐT là chủ trương lớn được UBND TP chỉ đạo quyết liệt, song việc triển khai ở huyện Gia Lâm còn chậm và lúng túng. Đến nay, toàn huyện mới DĐĐT được khoảng 60% diện tích và tại một số địa phương như Dương Quang, Trung Mầu vẫn còn vướng mắc.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc huy động nguồn lực đóng góp từ Nhân dân và DN tham gia xây dựng NTM của huyện còn rất hạn chế. Đây là một mối lo lớn bởi các tiêu chí chưa đạt của các xã chủ yếu đều cần nhiều kinh phí như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa... "Một bộ phận cán bộ trách nhiệm không cao, uy tín thấp, làm việc thiếu dân chủ, khách quan ảnh hưởng đến công tác vận động người dân" - ông Hùng cho biết.
Quyết liệt gỡ khó
Năm 2015 là năm có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với huyện Gia Lâm mà với toàn TP khi kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP khóa XV. Bởi vậy, huyện Gia Lâm đặt ra mục tiêu đến hết năm 2015, toàn bộ 13 xã giai đoạn 1 của huyện đều được công nhận xã NTM. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương cũng như giải pháp chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc từ huyện đến TP. Ông Trương Mạnh Truyền - Chủ tịch UBND xã Kim Lan, huyện Gia Lâm chia sẻ, để hoàn thành xây dựng NTM theo đúng tiến độ cần xây dựng kế hoạch, trong đó xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm theo từng thời điểm. Ông Truyền cũng kiến nghị cần sớm tháo gỡ khó khăn về đấu giá đất xen kẹt, tạo nguồn vốn xây dựng NTM. Đồng thời, hỗ trợ địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các chương trình, dự án.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02 huyện Gia Lâm, năm 2015, huyện sẽ tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong DĐĐT, đẩy nhanh tiến độ giao ruộng ngoài thực địa để triển khai sản xuất. Phấn đấu đến hết năm 2015 hoàn thành DĐĐT trên địa bàn 5 xã Dương Quang, Lệ Chi, Kim Sơn, Trung Mầu và Phú Thị. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Lãnh đạo huyện Gia Lâm cũng cho biết, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các xã tập trung xây dựng các dự án thành phần theo phân kỳ đầu tư, đảm bảo đúng quy trình và hiệu quả. Đồng thời, nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền địa phương và tăng cường kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM.