KTĐT - Cuối năm nay, nguồn cung các loại hàng hóa này đang trong giai đoạn khan hiếm do tình hình thời tiết phức tạp tại một số nước sản xuất chủ chốt.
Càng gần về cuối năm, khi nhu cầu trong các dịp lễ, Tết tăng đột biến, giá các loại nông sản thế mạnh của Việt Nam trên thị trường thế giới càng tăng mạnh.
Đặc biệt, cuối năm nay, nguồn cung các loại hàng hóa này đang trong giai đoạn khan hiếm do tình hình thời tiết phức tạp tại một số nước sản xuất chủ chốt.
Mặt hàng hồ tiêu được dự báo sẽ tăng giá mạnh so với đầu năm 2009. Theo một số chuyên gia về hồ tiêu, lượng dự trữ hồ tiêu đang giảm mạnh ở tất cả các nước sản xuất tiêu hàng đầu thế giới.
Tính đến giữa tháng 11, tổng số tiêu tại các kho dự trữ trên toàn cầu chỉ khoảng 45.000-46.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu tại các nước tiêu thụ mạnh (như Mỹ, châu Âu) ước khoảng 15.000 tấn/tháng.
Vì vậy, trong khoảng 10-12 tuần tới, tình trạng đầu cơ trên thị trường tiêu quốc tế có thể sẽ xảy ra do sự mất cân đối cung-cầu.
Trong khi đó, do thời tiết và sâu bệnh, trong năm tới sản lượng tiêu của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Indonesia dự báo sẽ giảm mạnh.
Phải tới đầu tháng 2/2010, một số vùng tiêu tại Việt Nam, nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, mới bắt đầu thu hoạch và dự báo sản lượng hồ tiêu cả nước niên vụ tới sẽ giảm khoảng 7% do tình hình bão lũ những tháng cuối năm.
Giá hạt tiêu gốc trung bình trên thế giới hiện đang ở mức hơn 3.000USD/tấn. Giá hạt tiêu tại Ấn Độ (giá FOB tại cảng Cochi) ở mức 3.500USD/tấn.
Giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam ở mức 3.100-3.200USD/tấn (giá FOB tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh). Giá bán tại Indonesia là 3.075USD/tấn (giá FOB tại cảng Panang) và tại Brazil là 2.900USD/tấn (giá FOB tại Belem).
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, tính đến giữa tháng 11/2009, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 119.000 tấn tiêu, trong đó có hơn 98.000 tấn tiêu đen và gần 20.000 tấn tiêu trắng.
Tại thị trường trong nước, hồ tiêu chủ yếu tồn đọng trong dân và các đại lý bán buôn. Thời điểm giá tiêu xuống mức 27.000-29.000 đồng/kg (cuối năm 2008), nhiều hộ gia đình đã chủ động trữ tiêu không bán. Hiện giá tiêu trong nước nhích lên từ 40.000-50.000 đồng/kg, với giá này nông dân trồng tiêu trúng đậm.
Cùng xu hướng tăng giá, mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gạo cũng đang đem lại nhiều lợi nhuận cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp xuất khẩu. Nhu cầu nhập khẩu lớn từ Philippines và Ấn Độ chính là bệ đỡ cho giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đợt mở thầu ngày 1/12 của Chính phủ Philippines, Việt Nam đã trúng thầu xuất khẩu lô hàng 300.000 tấn gạo loại 25% tấm (trong số 500.000 tấn) với giá bình quân 625USD/tấn.
Như vậy, giá trúng thầu lần này cao hơn đợt đấu thầu trước đó một tháng là 145USD/tấn. Giá gạo Việt Nam hiện cũng đã tăng thêm 10% trên thị trường quốc tế, đạt mức 530-550USD (gạo 5% tấm) so với mức 500USD/tấn hồi tuần trước.
Trong tháng này, Philippines sẽ tiếp tục mở thầu vào các ngày 8 và 15/12, các nhà xuất khẩu hiện đang hy vọng, gạo Việt Nam tiếp tục được giá trong hai lần dự thầu này.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Trung tâm Thông tin Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp) dự báo, giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng nhưng sẽ không tăng quá mạnh do nguồn cung dồi dào từ Thái Lan và Việt Nam.
Còn tại thị trường trong nước, sau khi nghe tin trúng thầu gạo với mức giá cao, hiện giá gạo nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng từ 200-400 đồng/kg, 7.300-7.500 đồng/kg loại 25% tấm. Giá thóc cũng đạt khoảng 6.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay. Với mức giá này, nông dân sẽ lãi lớn.
Giá càphê cũng được dự báo sẽ tăng trong một vụ mùa thất bát. Hiệp hội Càphê Cacao Việt Nam cho biết, niên vụ càphê 2009-2010 này, các tỉnh Tây Nguyên có khả năng giảm từ 20 đến 35% sản lượng càphê so với vụ trước.
Tại Đắk Lắk, nơi được mệnh danh là thủ phủ càphê của cả nước niên vụ này cũng có khả năng giảm từ 15.000 tấn càphê nhân trở lên so với vụ càphê năm ngoái.
Tại thị trường thế giới, một số chuyên gia đầu ngành nhận định, giá càphê arabica kỳ hạn sẽ tăng mạnh trong những tuần tới do nguồn cung giảm và các vấn đề về sản lượng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Tình trạng này sẽ chấm dứt sự giảm giá kỷ lục diễn ra trong quý III/2009.
Trước tình hình sản lượng càphê giảm mạnh như niên vụ này, nhiều người có tiền đang có dự định trữ càphê đợi giá tăng để bán. Ngay từ đầu vụ, việc nhiều người bỏ tiền ra thu mua tích trữ càphê cũng là một dấu hiệu tốt nhằm hạn chế nguồn cung càphê ào ạt tạo áp lực cho các nhà nhập khẩu ép giá./.