Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia nhập AEC: Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ giao thông biển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo Cộng đồng ASEAN và Chương trình hành động của Việt Nam.

Các đại biểu đều nhấn mạnh, việc hình thành Cộng đồng ASEAN và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.

Liên kết về kinh tế là động lực

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định, việc thành lập Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 tạo nên tác động rất lớn tới quá trình nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế. “Về kinh tế, chúng ta có cơ hội mở rộng được thị trường hàng hóa và dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, định vị đất nước vào vị trí tối ưu trong chuỗi sản xuất và phân phối ở khu vực và toàn cầu. Về văn hóa, xã hội, chúng ta có cơ hội thực hiện các chuẩn mực cao hơn về văn hóa, xã hội của dân tộc Việt Nam” - Phó Thủ tướng nói.
Gia nhập AEC: Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ giao thông biển - Ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Lan Hương
Thống nhất với ý kiến của Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương cho biết: “Khu vực ASEAN là khu vực đa dạng về thể chế chính trị, văn hóa, tôn giáo, vì vậy, liên kết về kinh tế chính là động lực gắn kết mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực”.

Theo bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc thành lập Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là AEC, thu hút được sự quan tâm của nhiều nước lớn. Sức hấp dẫn từ thị trường 600 triệu dân của khu vực kinh tế chung AEC khiến các nước trong cùng châu lục như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đến Liên minh châu Âu, Mỹ đều quan tâm đến một cộng đồng ASEAN mạnh về mặt kinh tế mà trong đó có Việt Nam.

Lợi thế từ hạ tầng giao thông biển

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ rõ, do mức độ phát triển trên nhiều mặt của Việt Nam vẫn còn xa với nhiều nước ASEAN, nhất là các nước phát triển trong nhóm ASEAN-4 đặt chúng ta trước nhiều thách thức lớn hơn các nước khác, nhất là về kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan,  nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, nhất là các nền tảng quan trọng như thể chế kinh tế, nguồn nhân lực và hạ tầng. Trong đó, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh về yếu tố hạ tầng, đặt trong mối liên kết với khu vực. Cụ thể, Việt Nam phải xây dựng được hạ tầng giao thông kết nối được với hạ tầng các nước khác, giữ vai trò kết nối hạ tầng với ASEAN để đảm bảo tính thông suốt trong việc lưu thông hàng hóa và cả nguồn đầu tư từ các nước.

Bà Phạm Chi Lan cho biết, hiện nay có 2 kết nối quan trọng với các nước ngoài ASEAN là với Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, Myanmar đang đứng ra làm đầu mối kết nối với Ấn Độ. Trục còn lại với Trung Quốc cũng đã được triển khai. Gần đây nhất, Trung Quốc đã đầu tư hệ thống đường sắt qua Lào. “Như vậy, Việt Nam phải tận dụng được cơ hội còn lại của mình trong kết nối hạ tầng trong ASEAN là đường biển, để nhanh chóng tận dụng lợi thế liên kết với các nước ngoài khu vực và các nước ASEAN phía bên kia biển” - bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, sức ép lớn nhất của Việt Nam bây giờ là thời gian. “Chúng ta không còn thời gian để chần chờ nữa. Nếu như 5 năm tới chúng ta không tạo được thay đổi cơ bản cho Việt Nam thì cơ hội phát triển hội nhập sẽ còn nhiều thách thức hơn thời điểm hiện tại” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.