Gia nhập Công ước số 98: Nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình Quốc hội tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế và áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, việc gia nhập Công ước số 98 là thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của Việt Nam với vai trò là thành viên của Tổ chức ILO; nhằm tăng cường cam kết chính trị và thực thi thực chất các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên của ILO vào năm 1992, đến nay nước ta đã gia nhập 5/8 Công ước cơ bản của ILO. Công ước số 98 đã được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1/7/1949. Theo Văn phòng ILO, đến nay có 166/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia. Công ước số 98 có 16 Điều, gồm 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn, bảo vệ công đoàn không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động và những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (Ảnh TTXVN)
Sửa đổi Luật Lao động, Luật Công đoàn để tương thích với Công ước 98
Về cơ bản, các quy định của pháp luật Việt Nam tương thích với các quy định của Công ước số 98. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ còn một số quy định của Bộ luật Lao động về một nội dung là bảo đảm tính tự nguyện trong thương lượng tập thể là chưa hoàn toàn tương thích với Công ước số 98, cần được sửa đổi, bổ sung khi gia nhập Công ước 98.
Những nội dung có liên quan đến vấn đề này đều đã được đưa vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Cụ thể: Thứ nhất, bổ sung một trong những nguyên tắc quan trọng của thương lượng tập thể là thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện. Đồng thời, bỏ quy định thương lượng tập thể được thực hiện định kỳ một năm một lần. Việc thương lượng tập thể được tiến hành đột xuất hay định kỳ như thế nào là do các bên quan hệ lao động quyết định trên cơ sở tự nguyện theo đúng tinh thần của Công ước số 98 (Điều 67 Bộ luật Lao động 2012; Điều 66 dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).
Thứ hai, để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tự nguyện đã được quy định tại Công ước số 98, cần sửa đổi quy định về vai trò đại diện đương nhiên của công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở trong việc đại diện cho người lao động tại nơi chưa có công đoàn cơ sở để tiến hành thương lượng tập thể (bãi bỏ Khoản 3 Điều 188 Bộ luật Lao động 2012).
Thứ ba, sửa đổi quy định về nội dung thương lượng tập thể, bảo đảm cách hiểu thống nhất những quy định về nội dung thương lượng tập thể của pháp luật chỉ là những nội dung có tính gợi ý, mang tính khuyến khích chứ không phải là nội dung bắt buộc phải thương lượng. Việc các bên quan hệ lao động tiến hành thương lượng về nội dung nào là do chính các bên quyết định trên cơ sở nhu cầu của các bên (Điều 70 Bộ luật Lao động 2012; Điều 69 dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).
Thứ tư, bổ sung các quy định bảo đảm thương lượng tập thể không chỉ được thực hiện ở cấp doanh nghiệp và cấp ngành như quy định hiện hành, mà có thể được thực hiện ở bất kỳ cấp nào như cấp bộ phận doanh nghiệp, cấp vùng, cấp nhóm doanh nghiệp... do chính các bên thương lượng quyết định (Điều 73 Bộ luật Lao động 2012; Điều 72, Điều 73 dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).
Thứ năm, để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tự nguyện đã được quy định tại Công ước số 98 với một trong các yêu cầu là các bên tranh chấp trong quan hệ lao động không bắt buộc phải lựa chọn trọng tài là thủ tục bắt buộc để giải quyết tranh chấp xuất phát từ thương lượng tập thể, cần sửa đổi không quy định thủ tục trọng tài bắt buộc đối với mọi tranh chấp lao động tập thể về lợi ích xuất phát từ thương lượng tập thể (Điều 206 Bộ luật Lao động 2012; Điều 197 dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).
Ngoài ra, một số quy định của 3 nghị định quy định chi tiết Bộ luật Lao động về bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn không bị phân biệt đối xử về việc làm; bảo vệ công đoàn không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động để có thể tiến hành thương lượng tập thể một cách thực chất cũng cần được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm thực thi có hiệu quả Công ước trên thực tế và đã được đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (Điều 190 Bộ luật Lao động 2012; Điều 175 dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).
Có ý kiến cho rằng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019 và có hiệu lực vào ngày 01/01/2021. Công ước số 98 cũng đang được xem xét, quyết định gia nhập tại kỳ họp thứ 7 và theo quy định  sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam sau 12 tháng kể từ khi văn kiện gia nhập của Việt Nam được đăng ký với Tổng Giám đốc Văn phòng ILO.
Do vậy, cần đảm bảo đồng bộ về thời gian hiệu lực giữa Công ước số 98 và Bộ luật Lao động (sửa đổi) để tránh tạo khoảng trống và xung đột pháp lý khi thi hành Công ước. Một số đại biểu cho rằng khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 sẽ có một số quy định mới liên quan đến Luật Công đoàn năm 2012. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cơ sở pháp lý cho người lao động thương lượng tập thể
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đánh giá, việc gia nhập Công ước số 98 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tăng cường quan hệ lao động hài hòa, tạo ra môi trường lao động ổn định, có thể dự báo và quản lý được các xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động, đình công.
Bên cạnh đó, thương lượng tập thể hiệu quả giúp doanh nghiệp và Chính phủ đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời dựa trên những thông tin thường xuyên thu thập được thông qua quá trình thương lượng, giúp đảm bảo sự ổn định trong chính doanh nghiệp, từ đó góp phần bảo đảm sự ổn định của từng địa phương và cả đất nước.
Hệ thống thương lượng tập thể minh bạch, hiệu quả góp phần làm cho việc phân chia thu nhập công bằng hơn ở cấp độ xã hội. Đây chính là chức năng quan trọng của quan hệ lao động. Trên thực tế việc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu có xu hướng nới rộng khoảng cách giữa các thành phần kinh tế, giữa các nhóm người lao động khác nhau và tăng biến động trong xã hội, điều này có thể đe dọa sự gắn kết xã hội và bền vững lâu dài của phát triển kinh tế. Chính vì vậy, cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác trong quan hệ lao động như làm thêm giờ, bữa ăn giữa ca và các chế độ phúc lợi khác… Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam.
Thương lượng tập thể cũng là phương tiện để người sử dụng lao động và tập thể lao động thảo luận với nhau về những biện pháp tăng năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần