Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia nhập TPP - Cơ hội và thách thức với doanh nhân, lao động nữ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/4, T.Ư Hội LHPN Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ phối hợp tổ chức tọa đàm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với chủ đề Cơ hội và thách thức với doanh nhân và lao động nữ Việt Nam.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, hiện nay, ở nước ta, bình quân cứ 200 người dân thì mới có một DN. Trong khi đó, tại những nền kinh tế phát triển thì cứ 15 - 20 người dân có một DN, đây là một sự chênh lệch khá lớn. Số DN do nữ làm chủ chỉ đạt 25%, chủ yếu là quy mô nhỏ, chính sách hỗ trợ hạn chế. Bên cạnh đó, những đặc tính về giới, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới trong việc hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh cùng khả năng tiếp cận các nguồn lực.

Để hỗ trợ các DN và lao động nữ chủ động trong thời kỳ hội nhập, hội có rất nhiều việc làm thiết thực cho DN và lao động nữ. Những chương trình, hoạt động hỗ trợ liên quan đến tác động chính sách, đào tạo khởi nghiệp và tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng, hỗ trợ tiếp cận thị trường, hỗ trợ phát triển mạng lưới doanh nhân nữ và các hoạt động dạy nghề cho lao động nữ, phụ nữ nông thôn và các nhóm phụ nữ khác nhau cũng được thực hiện hiệu quả.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, Hiệp định TPP đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức để thực hiện cam kết. TPP đồng thời tạo môi trường làm việc tốt hơn cho người phụ nữ với hơn 70% lực lượng lao động sống ở nông thôn và gần 45% lực lượng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp năng suất thấp và thiếu việc làm. Đây là lực lượng cần chuyển hướng sang DN để nâng cao năng suất, đặc biệt khi các nước TPP có nhiều lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp. 

Theo Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hà Căn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thái Nguyên Đinh Thị Thu Hà: Hiệp định TPP có những tác động sâu rộng trực tiếp không chỉ đối với DN mà còn với hầu hết các nhóm lao động nữ hiện nay. Lao động nữ, công nhân nữ ở các địa phương cũng tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế và đều cần được hỗ trợ kiến thức về lao động sản xuất và các kỹ năng cần thiết để thoát nghèo bền vững.

Để trụ vững và phát triển trong thời kỳ hội nhập thì DN phải có hành trang kiến thức pháp luật, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra những mặt hàng độc đáo, khác biệt so với các nước bạn để phát triển và mang lại doanh thu cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. “Về phía DN của tôi thì mỗi một nhân viên phải ý thức cao về tính cạnh tranh và chất lượng hàng hóa của mình cũng phải tốt hơn”, chị Hà cho biết.