Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá rau xanh tăng, hàng ăn giữ giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trong những ngày sau Tết cho thấy, tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều sạp hàng chưa mở cửa trở lại.

Giá rau xanh tăng nhiều sau Tết.         Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Giá rau xanh tăng nhiều sau Tết. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Trong khi giá nhiều mặt hàng khô (bánh kẹo, sữa…), mặt hàng chế biến sẵn…, khách mua chưa nhiều nên giá cả khá ổn định thì nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh lại có giá bán tăng mạnh so với trước Tết. Theo đó, su hào từ mức 3.000 - 4.000 đồng/củ vào chiều 30 Tết tăng lên 8.000 đồng/củ; cải cúc tăng gấp đôi lên 5.000 đồng/mớ; rau cần, cải thảo và một số loại củ khác cũng có mức biến động giá tương tự... Thậm chí, giá một số loại rau gia vị như hành, rau thơm ngày thường chỉ đáng 10.000 đồng nhưng hiện nay, người mua phải trả đến 25.000 đồng. Giá bán các loại thực phẩm như thịt, cá cũng tăng so với trước Tết. Cụ thể, giá sườn lợn hiện khoảng 160.000 đồng/kg trong khi trước Tết chỉ 120.000 đồng/kg; thăn bò lên tới 320.000 đồng/kg; cá quả tăng lên mức 150.000 đồng/kg... Theo nhận định của các hộ tiểu thương, giá những mặt hàng thực phẩm, rau xanh… sẽ trở lại bình thường vào sau mùng 10 tháng Giêng. Trong khi đó, tại các siêu thị và đại lý bán lẻ: Big C, Fivi Mart…, lượng khách đến mua hàng vẫn còn khá thưa thớt.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là nhiều cửa hàng ăn uống có “truyền thống” tăng giá mạnh trong và ngay sau những ngày nghỉ Tết thì năm nay giữ giá bán. Ghi nhận tại một số quán ăn trên địa bàn Hà Nội trong thời gian trước, trong và sau những ngày nghỉ Tết cho thấy, nhiều chủ quán kinh doanh dịch vụ này nếu có tăng giá cũng chỉ tăng một vài ngàn đồng để “lấy may” đầu năm. Chủ một quán phở trên đường Láng Hạ chia sẻ, tăng giá nhiều trong mấy ngày Tết thì cũng chẳng kiếm được hơn bao nhiêu, lại còn dễ làm mất khách hàng nên nhiều quán ăn đã bỏ kiểu làm chụp giật như thế để giữ khách.