Giá sữa trong nước vẫn “một mình một chợ” khi tiếp tục “neo” cao hơn giá các nước trong khu vực.
Giá bán lẻ bất động
Số liệu từ Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, trong tháng 8/2015, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm mạnh từ 12 - 20%, trong đó giảm nhiều nhất tại thị trường châu Đại Dương, với biên độ giảm từ 30 - 35% so với tháng trước. Cụ thể, tại thị trường châu Âu, giá sữa bột gầy (1,25% bơ) tiếp tục giảm 75 - 225 USD/tấn, còn 1.650 - 1.925 USD/tấn (FOB); giá sữa bột nguyên kem 26% bơ giảm 125 - 400 USD/tấn, còn 1.900 - 2.475 USD/tấn (FOB). Giá bột whey là 650 - 850 USD/tấn, giảm 150 USD/tấn. Tại thị trường châu Đại Dương, giá sữa bột gầy (1,25% bơ) giảm 400 - 450 USD/tấn, xuống còn 1.325 - 1.700 USD/tấn (FOB); giá sữa bột nguyên kem 26% bơ giảm 300 - 525 USD/tấn, xuống 1.450 - 2.000 USD/tấn (FOB). Dự báo, đến hết năm 2015, nguồn cung sữa thế giới sẽ tiếp tục dồi dào, đưa giá sữa tiếp tục giữ ở mức thấp trong vài tháng tới.
Giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm và dự báo tiếp tục giảm mạnh, tuy nhiên, giá sữa trong nước vẫn “án binh bất động”. Ngày 18/9, khảo sát tại một số cửa hàng sữa trên phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), các nhân viên bán sữa khẳng định, giá sữa một tháng nay vẫn không hề giảm. Sữa Enfamil A+ 900g có giá 510.000 đồng/hộp, sữa bột Similac IQ số 1 hộp 900g cũng có giá tương tự, đứng im gần 2 tháng nay. Còn tại một số cửa hàng sữa trên phố Nguyễn Chí Thanh, sữa bột Abbott PediaSure 850g có giá 580.000 đồng/hộp, sữa bột Abbott Similac Neosure 370g có giá 237.000 đồng/hộp. Thực tế trên cho thấy, so với các nước trong khu vực, giá sữa tại Việt Nam vẫn “một mình một chợ”. Hiện, tính trung bình giá 1kg sản phẩm thì giá sữa của tất cả nhãn hàng tại Việt Nam đều đang cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines, 46% so với Malaysia và 60% so với Indonesia. Cụ thể, 1kg sữa thành phẩm ở Việt Nam có giá 16 USD, trong khi Thái Lan là 14 USD/kg, Philippines là 12,9 USD/kg, còn Malaysia là 10,9 USD/kg…
Lương tăng… cản đường sữa giảm giá?
Đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, qua theo dõi, cập nhật thông tin giá chào bán một số loại nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem) của thị trường Tây Âu, châu Đại Dương cho thấy giá nguyên liệu tại 2 thị trường này có xu hướng giảm khoảng 20%. Tuy nhiên, mức giá đó là mức giá chào bán, còn trên thực tế, các DN sản xuất sữa phải thực hiện việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng nên đều có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, nguyên liệu sữa NK về Việt Nam của các công ty trong nước có rất nhiều loại được nhập từ 25 quốc gia. Các nguyên liệu NK không chỉ để sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mà còn được sử dụng để sản xuất các mặt hàng khác như bánh kẹo, nước hoa quả, sữa cho phụ nữ mang thai, người già... Riêng với nguyên liệu NK dùng trong việc sản xuất sữa, có loại giảm, có loại tăng. “Trong cơ cấu giá thành sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước, ngoài giá nguyên liệu sữa, mặt hàng sữa thành phẩm còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố. Trong đó có những yếu tố tác động tăng như lương, tỷ giá, giá điện, chi phí quảng cáo…” - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết. Cũng theo ông Tuấn, từ khi thực hiện các biện pháp bình ổn giá đến nay, các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm 0,1 - 34%. Thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, giá sữa thành phẩm không thay đổi. Với các yếu tố tác động tăng như trên, tác động giảm giá nguyên liệu đến giá sữa thành phẩm trong nước là chưa đáng kể.
Một thị trường sữa mà 80% nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào NK như Việt Nam, việc giá sữa nguyên liệu giảm nhưng giá trong nước đứng yên là điều khó hiểu. Theo các chuyên gia kinh tế, thông thường, các DN NK, phân phối, sản xuất, kinh doanh tăng, giảm cùng thời điểm, và tương tự nhau. Một năm qua, việc giá sữa dậm chân tại chỗ hoặc giảm nhỏ giọt đã gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, không chỉ mặt hàng sữa mà giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu đang cao một cách bất hợp lý và cần kéo xuống cho bằng giá trị thực. “Nguyên nhân là do có quá nhiều trung gian, hệ thống phân phối yếu kém. Thêm vào đó, các khoản thuế, phí ngày càng nhiều, chưa kể chi phí không chính thức tăng, buôn lậu và gian lận thương mại phức tạp” - ông Phú nhấn mạnh.
Lựa chọn mua sữa tại Siêu thị Hapro Hà Nội Ảnh: Việt Linh
|
Hiện nay, quan trọng nhất là kiểm soát chi phí của DN, từ giá vốn NK, cho đến thuế khóa, vận chuyển, hoa hồng các đại lý... Trong thực tế hiện nay, việc kiểm soát này hầu như không làm được, vì thông tin ngoài nước thì không biết, thông tin trong nước thì mập mờ.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
|
Sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tới 70% là các sản phẩm NK nguyên hộp, nhưng giá thành kê khai hải quan của các DN từ tháng 6/2014 đến nay nhìn chung là ổn định. Do vậy, giá sữa NK thành phẩm khi nhập về Việt Nam không tác động đến giá bán trong nước. Đây cũng là nghịch lý mà dư luận đặt ra, các cơ quan chức năng cũng phải nghiên cứu kỹ để có biện pháp xử lý.
Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn
|