Trả nợ xong không còn tiền để đầu tư
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, mặc dù báo cáo Chính phủ cho thấy thu NSNN năm 2015 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2014 gần 61.000 tỷ đồng, song thực tế bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái.
Cụ thể, khoản ODA giải ngân bình quân 5 năm là 50.000 tỷ đồng/năm (các năm trước 20.000 tỷ đồng); tiền đất 50.000 tỷ đồng (các năm trước là 37.000 - 38.000 tỷ đồng), xổ số kiến thiết 26.000 tỷ đồng (các năm trước không đưa vào). Ba khoản trên tới 69.300 tỷ đồng, vốn dĩ các năm đều có nhưng không đưa vào. Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiện nay con số thực để phân bổ chỉ còn vỏn vẹn 45.000 tỷ đồng, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không còn tiền để điều tiết! Ngay cả năm 2016 dự toán tốc độ tăng thu ở mức 9,4% nhưng tốc độ tăng chi lên đến 11%" - Bộ trưởng trải lòng.
Hoạt động thu - chi tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Ảnh: Minh Tú
|
Cũng trong phiên họp này, tại tổ, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch đã bày tỏ lo ngại, khi NS thu không đủ chi, các dự án đầu tư phần lớn phải đi vay, đầu tư công, nợ công tăng lên thì việc sử dụng lại kém hiệu quả, tham nhũng. "Nợ công lên đến 61,3% đặc biệt liên quan đến nợ nước ngoài đòi hỏi thời gian tới cần có giải pháp xử lý tích cực và cương quyết hơn" - ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) kiến nghị.
"Tôi hoàn toàn đồng tình về việc giảm các chi về hội họp, đi nước ngoài, lễ, khánh thành, khai trương... không cần thiết. Có bao nhiêu là lễ mà không biết "trốn" đi đằng nào vì giấy mời nhiều, các đơn vị tổ chức nhiều. Vấn đề này cần phải đưa vào nghị định, nghị quyết." - ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế "Chính phủ đề nghị sử dụng tiền bán bớt cổ phần Nhà nước để góp phần vào xử lý hụt thu ngân sách, tôi đề nghị không nên đưa nguồn tiền thoái vốn này hòa vào NS nói chung mà phải tách biệt vấn đề đó. Nước lên thuyền lên hòa vào là chúng ta mất hết tài sản. Đưa vào đâu phải có địa chỉ rõ ràng và có sự phê duyệt của Quốc hội" - ĐB Trần Du Lịch - Đoàn TP Hồ Chí Minh |
Các ĐB cho rằng, Quốc hội cần quyết liệt về tiết giảm chi tiêu thường xuyên (tiếp khách, cắt giảm việc đi công tác nước ngoài, giao lưu học tập, khai trương khánh thành...) để dành tiền cho những lĩnh vực khác thiết thực hơn, trong đó có chi trả lương. Phần lớn các ĐB đồng tình với việc cần phát hành sớm trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với khối lượng 3 tỷ USD trong bối cảnh lãi suất quốc tế còn thấp để cơ cấu lại các khoản nợ ngắn hạn.
Hội nhập lo “sức khỏe” doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, mở cửa rộng hơn và Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh hơn từ những biến động của kinh tế thế giới. ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, độ mở hội nhập sâu rộng của Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực, sau Singapore, nhưng năng lực cạnh tranh của DN Việt còn yếu. "Những lĩnh vực bị tổn thương nhất là nông nghiệp chăn nuôi, tái cơ cấu nông nghiệp kết quả không mong muốn, DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn. Tôi đã nhiều lần đề cập" - ĐB này nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, chia sẻ, số DN ngừng hoạt động trong năm 2014 là 67.800 DN. Trong khi 9 tháng đầu năm 2015 đã lên tới 54.556 DN. ĐB cho rằng cần xử lý nợ xấu triệt để, nếu không gỡ được nợ xấu thì không thể tiếp tục hoạt động, yếu tố quản trị, nhân sự là vấn đề cần quan tâm, hợp lý và DN vẫn khó khăn, nhất là khi nợ xấu chuyển qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC thực ra chỉ là "dồn về một chỗ". Nhưng trong báo cáo của Chính phủ về nợ xấu không tính những khoản nợ đã được VAMC mua về nên tỷ lệ nợ xấu giảm.
Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
|
Với chỉ tiêu kinh tế bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2015 - 2020 mà Chính phủ đặt ra, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, để nền kinh tế phát triển bền vững, Việt Nam phải dựa vào yếu tố vốn và năng suất. Yếu tố năng suất tổng hợp ở mức 25 - 27% thì yếu tố về vốn chiếm trên 50%. Trong khi yếu tố vốn hiện nay đang là lực cản đối với Việt Nam, dư địa cho việc tăng vốn là rất khó thì yếu tố tăng năng suất càng cần phải được coi trọng. Cũng tại phiên họp tổ, nhiều ĐB lo lắng trước tình hình kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững; cổ phần hóa DN Nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm; ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết tốt; an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn ra phức tạp…
"Cần nhanh chóng xử lý nợ xấu, sớm thông qua và ban hành Luật Đấu giá tài sản để cứu cánh khối lượng nợ xấu rất lớn hiện nay. Tháo gỡ để tổ chức nước ngoài có thể tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu. Ngoài ra, quản trị thấp khiến nợ xấu gia tăng, cần nâng cao chức năng thanh tra của NHNN, kiên quyết xử lý các NH yếu kém, có cơ chế phát triển lành mạnh thị trường vốn, định hướng phân bổ nguồn vốn hợp lý." - ĐB Phạm Huy Hùng - Đoàn Hà Nội |