Ngoài mục đích ký kết hợp tác điện hạt nhân và thúc đẩy kế hoạch bán máy bay Airbus, chuyến công du Nhật Bản kéo dài 3 ngày (6 - 8/6) còn được cho là cơ hội để ông Hollande học hỏi kinh nghiệm từ chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe (Abenomics).
Chính sách Abenomics trong thời gian gần đây đã giúp kinh tế Nhật Bản lấy lại đà hồi phục sau thảm họa hạt nhân, sóng thần năm 2011 và thu hút được sự quan tâm của các nước châu Âu, khu vực đang nhận thấy chính sách thắt lưng buộc bụng không đem lại hiệu quả cao. Việc tiếp cận Abenomics có thể sẽ gợi mở cho Tổng thống Hollande phương thức mới giúp kinh tế Pháp nói riêng, kinh tế châu Âu nói chung thoát khỏi suy thoái, từ đó khôi phục lại niềm tin của cử tri.
Trong bối cảnh kinh tế được dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 0,2% trong năm nay, việc tăng cường quan hệ với châu Á, nơi có nguồn ngân sách quốc phòng ngày càng cao sẽ giúp Pháp thâm nhập vào một trong những thị trường quân sự tiềm năng nhất. Đặc biệt, việc mở rộng thị trường hàng hóa với nhu cầu ngày càng cao về các mặt hàng công nghệ cao, hàng xa xỉ tại châu Á... sẽ giúp doanh nghiệp Pháp giải quyết được tình trạng kinh doanh khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, chiến lược xích lại gần các nước châu Á của Paris đang đối mặt với những thách thức không nhỏ do sự hiện diện về kinh tế của Pháp tại đây còn rất mờ nhạt so với các nước châu Âu khác như Đức, Italia. Đặc biệt, Abenomics chưa chắc đã là liều thuốc hoàn hảo cho kinh tế Pháp khi ngày 5/6, thị trường chứng khoán Nhật Bản lao dốc kế hoạch do chiến lược dài hạn thứ 3 nhằm vực dậy kinh tế đã không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư.