Gia tăng tiện ích, hạn chế thanh toán tiền mặt

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty CP Thanh toán quốc gia (Napas) và 7 ngân hàng vừa chính thức ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa. Sự kiện ghi nhận bước chuyển mạnh mẽ của thị trường thẻ thanh toán nội địa với các dòng sản phẩm đa dạng và đầy đủ nhất từ trước đến nay.

Khách hàng giao dịch ATM VIB. Ảnh: Trần Việt
Phí rẻ, dễ dàng vay tiền qua thẻ
Thẻ mới với công nghệ và tiêu chuẩn đồng nhất được kỳ vọng sẽ hạn chế thanh toán tiền mặt, siết tín dụng đen; nâng cao tính bảo mật, an toàn cho chủ thẻ... Ngoài ra, thẻ chip tín dụng nội địa còn cho phép chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi 55 ngày; chấp nhận thanh toán và sử dụng trên mạng lưới thanh toán 235.304 POS và 14.386 ATM…

Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết thêm, đối với các giao dịch thanh toán tại đại lý, cửa hàng chấp nhận thẻ, mức phí giao dịch của thẻ chip tín dụng nội địa sẽ ở mức từ 1,1 - 1,3% giá trị giao dịch, thấp hơn so với các thương hiệu thẻ khác. Đối với giao dịch rút tiền mặt, mức phí dự kiến từ 1 - 2% giá trị giao dịch (mức thu tối thiểu từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng) cũng thấp hơn rất nhiều so với các thẻ tín dụng quốc tế đang phát hành trên thị trường (đang áp dụng 4%). Với thẻ tín dụng nội địa, các ngân hàng thường cấp cho khách hàng mức chi tiêu khoảng 100 triệu đồng trở lại. Theo thống kê dư nợ với thẻ tín dụng nội địa của các ngân hàng tương đối thành công. Có ngân hàng phát hành thẻ tín dụng nội địa rất ít nhưng chiếm tới 50% trên tổng dư nợ.

“Tín dụng nội địa là một nhu cầu tốt của thị trường nên Napas muốn thúc đẩy phát triển loại thẻ này. Nhu cầu chi tiêu trước trả tiền sau luôn có. Với thẻ tín dụng nội địa, nếu người dùng chi tiêu thanh toán đúng hạn thì ngân hàng không thu được lãi suất mà chỉ được hưởng phần trăm doanh thu chủ thẻ tiêu – do đơn vị bán hàng trả. Mức phí của thẻ tín dụng nội địa thấp hơn thẻ tín dụng quốc tế sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt” - Phó Tổng Giám đốc Napas Nguyễn Quang Minh cho biết.

Ngân hàng cấp tập chuyển đổi

Kể từ thời điểm ra mắt sản phẩm thẻ chip ghi nợ nội địa của 7 ngân hàng đầu tiên vào tháng 5/2019, đến tháng 12/2020 đã có 38 ngân hàng thực hiện phát hành và nâng cấp hạ tầng chấp nhận thẻ chip nội địa trên các thiết bị ATM/POS. 7 NHTM gồm: Công thương Việt Nam (Vietinbank), NHTM CP Bản Việt (VCCB), Á Châu (ACB), Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDB), Bảo Việt (BVB), Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và Việt Nam Thương tín (Vietbank). Trong năm 2021 sẽ có thêm các ngân hàng VCB, BIDV, Agribank, VPBank và các công ty tài chính như FE Credit, Vietcredit, FCCOM... Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng nội địa có thể rút tiền mặt tại tất cả các ATM trong nước và mạng lưới liên kết của Napas tại Hàn Quốc, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia… với chi phí hợp lý.

Việc các ngân hàng triển khai các loại thẻ cũng nằm trong mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, đồng bộ về quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, nhằm tương thích và đáp ứng yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn quốc tế. Vì thế, nhiều ngân hàng đã cấp tập chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

Như tại ACB đã phát hành được 50.000 thẻ tín dụng nội địa. Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết, những năm gần đây, mỗi năm ngân hàng này chi khoảng 400 - 500 tỷ đồng cho lĩnh vực công nghệ, đến nay 100% máy ATM của ACB đã chấp nhận thẻ chip. Trong năm 2020, Agribank đã chuyển đổi được hơn 13 triệu thẻ từ sang thẻ chip và hơn 3.000 máy ATM/CDM, 24.000 máy chấp nhận thẻ (POS) đã cập nhật tính năng chấp nhận thẻ chip nội địa để hỗ trợ khách hàng giao dịch. Giám đốc Trung tâm thẻ của Vietcombank Nguyễn Hồng Vân cho biết, ngân hàng này đã phát hành và chuyển đổi hơn 1 triệu thẻ chip Contactless (không tiếp xúc) và nâng cấp hơn 50% hệ thống máy thanh toán thẻ, gần 70% số ATM chấp nhận thẻ chip theo bộ tiêu chuẩn cơ sở trên toàn hệ thống. Hay như SHB cũng thông tin, từ ngày 9/11/2020 đã dừng hẳn phát hành mới thẻ từ đối với dòng thẻ ghi nợ nội địa và thay bằng thẻ chip… Đồng thời, hầu hết các ngân hàng đều miễn phí các thẻ ghi nợ nội địa đang hoạt động sang thẻ chip cho khách hàng có yêu cầu chuyển đổi.

Bên cạnh việc chuyển đổi, các ngân hàng cũng luôn chú trọng và đẩy mạnh triển khai các biện pháp an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn bảo mật để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ tấn công, xâm nhập, đánh cắp dữ liệu trên môi trường mạng.

Kế hoạch của NHNN là sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng hệ sinh thái thẻ chip nội địa đa ứng dụng, mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ chip nội địa. Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán trên nền tảng công nghệ thẻ chip nội địa để phát triển các sản phẩm thẻ chip đa ứng dụng, liên thông kết nối thanh toán cho dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần