Giá thép xây dựng hôm nay 13/9: Sàn Thượng Hải chạm mức 5.730 Nhân dân tệ/tấn

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày hôm nay 13/9, giá thép trong nước không có biến động; còn trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng lên mức 5.730 Nhân dân tệ/tấn.

 Giá thép xây dựng hôm nay, trong nước tiếp tục bình ổn; trên sàn giao dịch Thượng Hải chạm mức 5.730 Nhân dân tệ/tấn. Ảnh: Internet.

Giá thép tại miền Bắc
Theo SteelOnline.vn, thép Hòa Phát hiện 2 sản phẩm của hãng từ 1/9 tới nay duy trì ổn định, với thép cuộn CB240 ở mức 16.160 đồng/kg; thép D10 CB300 có giá 16.310 đồng/kg.
Thép Việt Ý ổn định giá bán, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.060 đồng/kg; thép D10 CB300 có giá 16.260 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ, hiện dòng thép cuộn CB240 đang ổn định với mức giá 16.160 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.060 đồng/kg.
Thép Việt Sing, với 2 sản phẩm của hãng là thép cuộn CB240 ổn định ở mức 16.190 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.440 đồng/kg.
Thép Mỹ duy trì ổn định từ 7/9 tới nay, với thép cuộn CB240 có giá 15.990 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.350 đồng/kg.
Giá thép tại miền Trung
Thép Hòa Phát, với 2 sản phẩm của hãng là thép cuộn CB240 tiếp tục duy trì ở mức 16.260 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.360 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ ổn định ở mức cao trong vòng 30 ngày qua, với dòng thép cuộn CB240 đang có giá 16.010 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.060 đồng/kg.
Giá thép tại miền Nam
Thép Hòa Phát, với 2 sản phẩm của hãng là dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.260 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.360 đồng/kg.
Thương hiệu thép Tung Ho, với 2 sản phẩm của hãng là dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.090 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.240 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ hiện 2 sản phẩm của hãng là thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tiếp tục đồng giá 16.060 đồng/kg.
Giá thép trên sàn giao dịch
Giá thép giao kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 48 Nhân dân tệ lên mức 5.730 Nhân dân tệ/tấn. Giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng của Trung Quốc đều ở mức cao, do nhu cầu theo mùa cao điểm và sản lượng cắt giảm tại các nhà máy khiến giá tăng.
Dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy, dự trữ các sản phẩm thép chính, bao gồm vật liệu xây dựng và thép cuộn được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, đã giảm 2,8% xuống 10,71 triệu tấn trong tuần trước so với tuần trước đó. Trong khi đó, sản lượng hàng tuần của kim loại này ở mức 10,15 triệu tấn tính đến ngày 9/9, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
“Giá thép hiện nay bị ảnh hưởng bởi tình trạng dịch bệnh Covid-19 và lũ lụt vào tháng 7 và tháng 8, nhu cầu (xây dựng) có thể sẽ tăng trong mùa cao điểm" - các nhà phân tích của CITIC Futures lưu ý.
Thép cây hoạt động tích cực nhất trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giao tháng 1, nhích 0,4% lên 5.696 Nhân dân tệ (883,29 USD)/tấn vào lúc 02h15 GMT.
Giá thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong ô tô và thiết bị gia dụng, giảm 0,6% xuống 5.871 Nhân dân tệ/tấn. Thép không gỉ trên sàn Thượng Hải, giao tháng 10, giảm 1,1% xuống 19.420 Nhân dân tệ/tấn.
Trong nước, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 31/8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với thép tấm không gỉ (dạng đai và dải) của Việt Nam.
Cụ thể, DOC dự kiến sẽ ban hành kết luận cuối cùng đối với cả hai nội dung điều tra đến ngày 5/1/2022. Đây là lần thứ hai Mỹ thông báo gia hạn thời gian điều tra, lần thứ nhất, Mỹ gia hạn đến ngày 8/9/2021.
Để ứng phó với vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu trong vụ việc này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp liên quan lưu ý tiếp tục theo dõi sát diễn biến của vụ việc; chủ động hợp tác, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra; có ý kiến kịp thời đối với các kết luận của DOC hoặc các vấn đề do các bên liên quan nêu;
Đồng thời cần thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình xử lý vụ việc.
Trước đó, ngày 15/5/2020, DOC đã khởi xướng điều tra vụ việc. Trong đó, DOC điều tra hai nội dung gồm điều tra về phạm vi sản phẩm để xác định liệu sản phẩm thép tấm không gỉ được sản xuất tại Trung Quốc sau đó được gia công thêm ở Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Mỹ có thuộc đối tượng đang bị áp thuế hay không; và điều tra về hành vi chống lẩn tránh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là vụ việc do DOC tự khởi xướng điều tra chứ không phải dựa trên cáo buộc của ngành sản xuất trong nước vì DOC cho rằng có dấu hiệu mặt hàng này của Việt Nam lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc.
Từ tháng 2/2017, DOC đã áp thuế CBPG và CTC lên các sản phẩm thép tấm không gỉ (mã HS thuộc nhóm 7219 và 7220) có xuất xứ Trung Quốc với mức thuế CBPG từ 63,86 - 76,64% và thuế CTC từ 75,6% đến 190,71%. Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu Mỹ đang áp dụng với thép tấm không gỉ của Việt Nam là 0%.