KTĐT - Truyền thông - cả công nghệ lẫn phương thức truyền tin đang phát triển như vũ bão. Điều này đặt con người vào nhiều trạng thái khác nhau, khó chịu - có; thú vị - có.
Xin đưa ra một giả thiết có tính viễn tưởng, nhưng lại dựa trên những cơ sở vững chắc của khoa học về truyền thông trong tương lai.
Từ máy kiểm tra nói dối, đến máy đọc ý nghĩ
Rất có thể trong thế kỷ XXI, loài người lại phải đối mặt với một thử thách mới: sự phát minh ra máy đọc được ý nghĩ.
Máy kiểm tra nói dối thì đã được sản xuất và sử dụng trong nhiều năm nay, dù ở diện hẹp và rất hạn chế. Cơ quan điều tra của Mỹ sử dụng loại máy này khá thường xuyên, hiệu quả như thế nào thì họ không nói cụ thể. Họ càng úp mở bao nhiêu thì càng khiến những người bị họ kiểm tra hoang mang bấy nhiêu, mà càng hoang mang, càng để lộ rõ mình nói dối.
Trong quan niệm của tôi, việc tra hỏi để lấy lời khai cũng là một dạng khai thác thông tin - một hoạt động truyền thông. Nếu con người có khả năng “lấy” được thông tin ngay cả khi đối tượng không muốn cung cấp thì sẽ nảy sinh ra rất nhiều điều mới mẻ. Điều này sẽ có được khi con người sản xuất được thiết bị đọc ý nghĩ của nhau.
Về nguyên lý, dựa trên những thông số kỹ thuật của máy kiểm tra nói dối, trong tương lai không xa, con người hoàn toàn có thể sản xuất được thiết bị này. Có điều, nếu thiết bị này được sản xuất đại trà, được bán và sử dụng như con người sử dụng ĐTDĐ hiện nay thì sẽ xảy ra nhiều điều mà chúng ta không kiểm soát nổi.
Từ chuyện ngụ ngôn, đến kỷ nguyên mới
“Ngày xưa, ở vùng Bắc cực xã hội loài cá sống trong một môi trường công khai tuyệt đối vì tất cả các ý nghĩ hình thành trong đầu ngay lập tức bốc hơi bay lên. Vì trời lạnh nên ý nghĩ đó đóng băng trên không trung và ai cũng đọc được. Do đó loài cá không giấu nhau được điều gì. Sống trong môi trường như vậy, những ý nghĩ của thế giới loài cá thật trong trẻo, ngay thẳng, không dối trá… Nhưng đến một ngày trời đất bỗng nóng lên, ý nghĩ bốc hơi không đóng thành băng trong không gian nữa. Lúc đó ở một số con cá xuất hiện những ý nghĩ đen tối, chúng nghĩ một đằng, nói một nẻo. Sự lừa dối, nghi kị, dò la bắt đầu xuất hiện. Thế là những mâu thuẫn nảy sinh. Từ mâu thuẫn dẫn đến xung đột. Xã hội loài cá có chiến tranh, chúng săn đuổi nhau, triệt hạ nhau, giết nuốt nhau…”
Nếu máy đọc ý nghĩ ra đời, loài người sẽ có cơ hội ngược lại với loài cá: Từ một xã hội đầy bí mật, được bưng bít, che giấu, giữ kín… bước sang một xã hội được thông tin đầy đủ nhất, kịp thời nhất, trung thực nhất.
Loài người sẽ hành xử như thế nào khi không còn có thể che giấu được gì? Điều này hẳn sẽ gây nên những đảo lộn khủng khiếp. Lúc này không còn gì là bí mật, kể cả trong lĩnh vực quân sự, khoa học, kinh doanh, lẫn trong lĩnh vực tình bạn, tình yêu, cấp trên, cấp dưới… Khi người ta không giấu nhau được điều gì thì người ta sẽ xử sự với nhau như thế nào? Liệu xã hội loài người có thể trở lại như xã hội loài cá khi trái đất còn lạnh lẽo và tất cả những ý nghĩ đều đóng băng giữa không trung không? Khi con người không thể quanh co được, họ có trở nên ngay thẳng không? Khi cái gì có, kể cả ý nghĩ, đều được phơi bày thì liệu còn những điều đơm đặt, dối trá không? … Nói chung, theo giả thuyết này, xã hội loài người phải đương đầu với những điều hoàn toàn mới mẻ, nó thử thách cả trí tuệ, tình cảm, đạo đức của toàn bộ xã hội loài người.
Như vậy, nếu máy đọc ý nghĩ ra đời, xã hội loài người sẽ buộc phải thay đổi cách sống để bước vào một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên hoàn toàn minh bạch mà hiện nay đang là mục đích phấn đấu của nhiều quốc gia.
Suy ngẫm và thận trọng trước những phát minh vĩ đại
Trong thế kỷ XX, có hai phát minh vào loại rất vĩ đại đã gây ra cho loài người những khó khăn đáng kể, thậm chí là cả những cuộc đấu tranh hết sức căng thẳng.
Một là việc phát hiện ra năng lượng nguyên tử. Đây là phát minh vĩ đại, nó mở ra cho loài người cơ hội sử dụng năng lượng gần như bất tận. Nhưng con người lại vận dụng phát minh này để sản xuất vũ khí giết người hàng loạt. Kết quả con người đã có lượng vũ khí có thể huỷ diệt hoàn toàn sự sống trên hành tinh. Loài người trở thành con tin của chính mình.
Hai là việc phát minh ra sinh sản vô tính. Với sự xuất hiện của chú cừu Dolly, con người lúng túng tự hỏi: Liệu thiên chức thiêng liêng của phụ nữ là sinh ra những con người còn có ý nghĩa gì nữa không? Khi người ta có thể tạo con người mà không cần đến tình yêu, quan hệ nam nữ thì tình cảm thiêng liêng như tình mẹ con, anh em, máu mủ, ruột thịt có tồn tại nữa không?
Và rất có thể trong thế kỷ XXI, loài người lại phải đối mặt với một thử thách mới: sự phát minh ra máy đọc được ý nghĩ. Nếu phát minh này ra đời, các quốc gia sẽ đón nhận nó như thế nào? Nó sẽ mang lại những gì cho con người? Niềm vui, hạnh phúc, sự hài lòng hay là những điều khó chịu, bất hạnh, sự mất ý nghĩa của cuộc sống? Con người sẽ sống trong một xã hội không giấu diếm được điều gì?… Chắc chắn là có nhiều điều phiền toái và nhiều điều thú vị.
Với các lĩnh vực khác thì chưa rõ thế nào, nhưng với truyền thông thì rõ ràng là sẽ có một cuộc cách mạng thực thụ. Trong thời đại bùng nổ thông tin, lại có thiết bị đọc ý nghĩ, phương thức truyền thông của con người sẽ khác, ít vòng vo, ít luận giải, nhiều thẳng thắn và trung thực. Làm báo và lãnh đạo báo chí trong điều kiện như vậy sẽ có nhiều thách thức; không chỉ thách thức đơn thuần về nghiệp vụ, mà còn cả về nhân cách, đạo lý, tình cảm... Vì vậy, ngay từ bây giờ, có lẽ cái cần trang bị cho con người là sự ngay thẳng và bình tĩnh trước mọi biến đổi.
Máy đọc ý nghĩ đang ở trong giả thiết, nhưng những phương thức khai thác và truyền tin tiên tiến nhất, hiện đại nhất, hiệu quả nhất đang được áp dụng vào cuộc sống. Chỉ cần nhắc lại rằng, trước và sau khi có mạng Internet, xã hội loài người đã có cách sống khác nhau. Vậy mà máy đọc ý nghĩ còn có tác động mạnh mẽ hơn Internet nhiều lần. Cần nhìn nhận điều này bằng con mắt hiện thực và sẵn sàng điều chỉnh.