Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 65.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 64.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 64.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 67.0000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 66.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tăng 500 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, giữ ổn định ở những khu vực còn lại so với cùng thời điểm hôm qua.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.606, giảm 0,25% USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.950 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.078 USD/tấn, giảm 0,26%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.250 - 3.350 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l; giá tiêu trắng ở mức 4.750 USD/tấn.
Thị trường trong nước tiếp tục tăng nhẹ sau 1 vài ngày chững lại. Nguyên nhân vẫn được suy đoán do bức tranh sản lượng không mấy khả quan trong vụ mới.
Theo ANTV, nhiều nông dân ở TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho biết vụ hồ tiêu năm nay cho năng suất kém hơn mọi năm khá nhiều.
Hầu hết vườn tiêu đều giảm năng suất so với năm trước, cá biệt có những vườn năng suất giảm từ 20 - 40%. Trong khi đó, giá vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công tăng cao.
Do thời tiết không thuận lợi và bỏ bê chăm sóc dẫn đến tiêu chết và năng suất giảm hơn so với năm ngoái, với giá tiêu hiện nay, thì chỉ đủ trả tiền công hái, nông dân phải chịu lỗ chi phí đầu tư.
Những năm gần đây, việc chặt bỏ hồ tiêu tiếp tục diễn ra ở Đồng Nai, hầu hết người dân chuyển đổi hồ tiêu sang trồng sầu riêng, do loại trái cây này đang có giá cao và đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Tình trạng trên không chỉ diễn ra tại Đồng Nai, mà còn được ghi nhận ở nhiều địa phương khác có truyền thống về trồng hồ tiêu.
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân chỉ chặt bỏ hồ tiêu già cỗi, tuyệt đối không chặt bỏ hồ tiêu mới trồng, đang thu hoạch tốt.
Tại huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), lúc cao điểm có hơn 2.800 ha hồ tiêu, đến thời điểm hiện tại các hộ trồng tiêu dường như đã phá sản hoàn toàn. Trước đây, Chư Pưh là vùng đất mới nên trồng tiêu khá dễ. Giờ đây, đất bị ô nhiễm, cây tiêu dễ bị nhiễm bệnh cộng với việc tiêu rớt giá thảm hại nên nhiều hộ dân rơi vào cảnh nợ nần dẫn đến trắng tay, phá sản.
Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho biết, so với giá thành sản xuất của nông dân, giá tiêu đã chạm tới mức nguy hiểm. Bởi giá thành sản xuất tiêu bình quân hiện nay ở khu vực Tây nguyên đã tăng lên trên 60.000 đồng/kg do chi phí sản xuất tăng.