Giá tiêu hôm nay 5/11: UKVFTA ở Anh, nhu cầu cuối năm từ Trung Quốc kỳ vọng đẩy giá tiêu tiếp đà tăng

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 5/11 trong khoảng 85.000 - 87.000 đồng/kg. Sau 3 ngày suy giảm liên tiếp, giá tiêu trong nước giảm 1.500 - 2.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 5/11: UKVFTA ở Anh, nhu cầu cuối năm từ Trung Quốc kỳ vọng đẩy giá tiêu tiếp đà tăng
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 86.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 85.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 85.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 87.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 86.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Sáng nay giá tiêu trong nước tiếp tục giảm 500 đồng/kg tại các vùng trồng trọng điểm so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Sau 3 ngày suy giảm liên tiếp, giá tiêu trong nước giảm 1.500 - 2.500 đồng/kg.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu tăng cao dịp cuối năm. Theo Hiệp hội Hạt tiêu Thế giới, sản lượng hạt tiêu toàn cầu giảm trong năm 2021 phần lớn do sản lượng của Việt Nam giảm 8%, trong khi sản lượng của Brazil giữ ổn định, sản lượng của Indonesia tăng 3%.

Trong bối cảnh xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường châu Âu gặp khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng chuyển dịch thị trường xuất khẩu sang khu vực châu Á. Tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu sang khu vực châu Á chiếm 37,96% tổng giá trị xuất khẩu trong quý III/2021, cao hơn so với tỷ trọng 34,52% trong quý III/2020. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu sang châu Âu, châu Mỹ, châu Phi giảm từ 28,41%, 29,2%, 5,92% trong quý III/2020 xuống 28,39%, 27,45%, 4,07% trong quý III/2021.

Những tháng đầu năm 2021, các thị trường giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam bao gồm: Hà Lan, Pháp và Nhật Bản. Bên cạnh đó, tốc độ nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung. Bù lại, ngành hạt tiêu Việt Nam cũng đã khai thác tốt các thị trường Đức, Nga, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thị trường Anh, dung lượng nhập khẩu hạt tiêu của Anh ở mức cao và tương đối ổn định. Đây được xem là thị trường tiềm năng lớn đối với các nhà xuất khẩu trên thế giới, mức tiêu thụ bình quân đầu người ở Anh có xu hướng tăng.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế, nhập khẩu hạt tiêu của Anh trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 41,65 triệu USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá nhập khẩu hạt tiêu của Anh từ Việt Nam đạt xấp xỉ 16 triệu USD, tăng 43,9%. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Anh tăng từ 29,1% trong 8 tháng đầu năm 2020 lên 38,36% trong 8 tháng đầu năm 2021. Nhu cầu nhập khẩu tăng cao và lợi thế về Hiệp định Thương mại tự do UKVFTA đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành hạt tiêu nước ta gia tăng giá trị và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Anh.

Với thị trường Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu được dự báo sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Điều này sẽ tác động tích cực lên giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh nguồn cung nội địa gần như đã cạn kiệt. Nhiều khả năng lượng hàng đầu cơ từ những năm trước sẽ được bán ra.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 41 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam tăng 10,9%, đạt 12,52 triệu USD. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 25,66% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 30,54% trong 9 tháng đầu năm 2021.