Một trận hỗn chiến đã xảy ra giữa hai mẹ con. Nguyên nhân cũng bởi để thúc ép con học, chị ra điều kiện: “Nếu con học giỏi, được nhiều điểm 10, muốn gì mẹ cũng mua”. Ngày nào lời hứa ấy cũng được lặp lại như một thói quen, nhưng chưa bao giờ chị thực hiện, Đan có hỏi chị đều lảng tránh bằng cách khất lần hoặc hỏi lại: “Thế con được bao nhiêu điểm 10 rồi”. Khi Đan kể ra, chị lại bảo: “Phải thêm 3 điểm nữa mới gọi là nhiều, muốn gì mẹ sẽ mua cho”. Cứ như thế, chị lặp đi lặp lại những lời “hứa suông” mà không băn khoăn gì. Bởi theo chị “Trẻ con dễ quên ấy mà, lo gì!”. Hôm nay cũng vậy, Đan háo hức khoe con được những 3 điểm 10 trong một ngày, được cô giáo biểu dương trước lớp và cậu muốn mẹ mua cho xe đạp mới. Nhưng chị lại bảo: “Chưa được!”. Đan lý luận: “Không phải mẹ đã hứa là con học giỏi, được nhiều điểm 10 muốn gì mẹ cũng mua sao, mẹ chưa thực hiện lời hứa bao giờ cả”. Không biết khất lần sao nữa, chị quay ra bảo: “Mẹ hứa thế bao giờ!”. Đan lập tức hét lên: “Mẹ toàn nói dối thôi…”. Sau lần ấy, Đan tỏ luôn thái độ chống đối, phản kháng lại những lời chị nói trước bất cứ chuyện gì. Dường như trong mắt cậu bé, lời nói của mẹ không còn giá trị. Rồi cậu cũng không thực hiện những điều đã hứa với bố mẹ như chăm học, ngoan ngoãn. Chị nói thì Đan bảo: “Mẹ cũng thường xuyên hứa mà không thực hiện còn gì. Sao mẹ lại bắt con thực hiện”. Lúc này chị mới thấm thía, đừng nghĩ trẻ con không biết gì, tâm hồn trẻ như một tờ giấy trắng, sẽ ghi nhận tất cả những gì quan sát, học hỏi được từ xung quanh. Và khi hình ảnh bố mẹ trong trẻ đã méo mó, rất khó để đứa trẻ có thể tiếp thu và ghi nhận những lời dạy bảo. Chị cũng nghiệm ra một điều mà dường như trong lúc dạy con chị không bao giờ để tâm đến là việc bố mẹ giữ chữ tín cũng là cách gieo vào con một lòng tin. Khi có niềm tin ở bố mẹ, trẻ cũng sẽ ứng xử theo khuôn mẫu mà bố mẹ đã thể hiện và hành xử đúng với những gì trẻ đã nói hay đã hứa. Chị hiểu ra, thực hiện lời hứa với con chính là cách dạy con ứng xử và hành động phù hợp giữa lời nói và việc làm, giáo dục cho trẻ thái độ sống tích cực. Không thể trách con hay bất cứ điều gì, bởi vô tình, chính chị đã không dạy cho con mình cách sống có trách nhiệm với những lời đã nói và với cả những việc phải làm. Chị bắt đầu sửa sai bằng cách thực hiện lời đã hứa và cũng không dùng lời hứa như một “mồi nhử” con nếu thấy rằng lời hứa ấy không thể thực hiện.