KTĐT - Ở chợ bán lẻ, trứng các loại tăng giá mạnh và có xu hướng đắt hơn nữa trong những ngày tới, tăng thêm 3.000-5.000 đồng một chục quả so với cách đây một tuần.
Trứng gà Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt đăng ký bình ổn giá với Sở Công Thương TP HCM là 15.500 và 25.000 đồng một chục. Song, nhiều ngày liền siêu thị Saigon Co.op bán đắt hơn 1.300-1.700 đồng, xấp xỉ giá ngoài chợ.
Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Saigon Co.op là những doanh nghiệp trong 13 đơn vị được vay vốn ưu đãi với lãi suất 0% của TP HCM, cam kết bán hàng giá thấp hơn thị trường 10%. Chương trình bình ổn giá bắt đầu thực hiện từ ngày 15/1, tức từ thời điểm này giá bán các sản phẩm của 13 doanh nghiệp này phải rẻ hơn giá thị trường 10%. Song trên thực tế gần 20 ngày qua, giá trứng Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt bán tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op vẫn không hề thấp hơn thị trường.
Cụ thể, từ ngày 15/1 đến 4/2, Saigon Co.op bán trứng gà, trứng vịt Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt giá 17.200 và 26.300 đồng cho một vỉ 10 trứng. Trong khi đó, hai doanh nghiệp này đăng ký mức giá chỉ có 15.500 đồng và 25.000 đồng.
Trao đổi với báo chí hôm 8/2, đại diện Saigon Co.op cho rằng siêu thị chỉ đảm bảo thực hiện bình ổn những mặt hàng đã đăng ký với Sở Công Thương, gồm: gạo trắng thơm, nếp, dầu ăn, thịt heo, thịt bò, thịt gà ta, thịt gà thả vườn, rau củ quả. Danh sách đăng ký không có trứng gà, trứng vịt, nên theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Co.op: "Siêu thị không biết phải bình ổn luôn sản phẩm của cả 13 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá".
Đại diện Saigon Co.op cũng phân trần, giá vốn của trứng gà Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, nếu cộng với thuế giá trị gia tăng (VAT) đã là 17.200 đồng một chục, nên không thể bán với giá bình ổn là 15.500 đồng. Tương tự, giá vốn của trứng vịt là 24.150 đồng, cộng thêm VAT nên giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng phải là 26.300 đồng, doanh nghiệp mới có lời.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân lý giải: "Doanh nghiệp không thể can thiệp, yêu cầu giá bán trứng gà, trứng vịt đến tay người tiêu dùng ở siêu thị cũng là 15.500 và 25.000 đồng". Mặt khác, cả Ba Huân và Vĩnh Thành Đạt đều cho rằng, giá đăng ký tham gia bình ổn là giá bán buôn cho toàn bộ kênh phân phối gồm: siêu thị, chợ, đại lý... (chưa bao gồm VAT), chứ không phải là giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng.
Vụ lùm xùm về giá trứng này đã được phản ánh đến UBND TP HCM. Lãnh đạo thành phố phải chỉ đạo hai nhà cung cấp trứng gia cầm và Saigon Co.op đã phải ngồi lại tháo gỡ vấn đề, trả giá bán về đúng với mức đã đăng ký bình ổn. Từ ngày 5/2, Saigon Co.op đã phải bán trứng gà, trứng vịt đúng với giá mà Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt đã đăng ký.
Trao đổi với báo giới, bà Quách Tố Dung, Phó giám đốc thường trực Sở Công Thương TP HCM khẳng định: "Chi phí đầu vào, đầu ra, doanh nghiệp và nhà cung cấp tự thỏa thuận, nhưng phải đảm bảo bán đúng giá đã chốt". Theo bà Dung, Saigon Co.op có thể không nhập hàng từ nhà cung cấp này nếu thấy bán ra không có lãi, chứ không được phép nâng giá. Như vậy là vi phạm và có thể bị lập biên bản xử lý.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh: "Doanh nghiệp đã đăng ký giá nào, phải bán đúng với giá đó, dù ở bất kỳ đâu. Trứng Ba Huân đã chốt giá bao nhiêu, phải bán bấy nhiêu, còn chi phí liên quan, hai bên tự thương lượng".
Ở chợ bán lẻ, trứng các loại tăng giá mạnh và có xu hướng đắt hơn nữa trong những ngày tới, tăng thêm 3.000-5.000 đồng một chục quả so với cách đây một tuần. Hiện trứng vịt có giá 30.000 đồng một chục, trứng cút cũng lên 13.000 đồng một vỉ chục quả.
TP HCM chi 422,3 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu Tết Canh Dần, cho vay với lãi suất 0%, không thế chấp tài sản trong thời gian 6 tháng.
13 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường Tết: Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra), Vissan, Cầu Tre, Công ty thực phẩm công nghệ Sài Gòn, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn, Liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op), Công ty lương thực TP HCM, Vinh Phát, Huỳnh Gia Huynh Đệ, Phú An Sinh, Thành Thành Công, Ba Huân, Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt.
8 nhóm mặt hàng bình ổn ở TP HCM: Gạo-nếp (9.000 tấn), đường cát trắng (4.100 tấn), dầu ăn (1.500 tấn), thịt gia súc (8.000 tấn), thịt gia cầm (3.000 tấn), trứng gia cầm (25 triệu quả), thực phẩm chế biến từ thịt (3.000 tấn) và rau củ quả (2.000 tấn).