Giá vàng đảo chiều giảm, gia tăng chi phí cho vay có thể đè nặng lên tài chính toàn cầu

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay (16/4), giá vàng thế giới đảo chiều giảm, trong khi đó vàng trong nước diễn biến trái chiều nhau. IMF dự báo, dịch bệnh Covid-19 đang làm các quốc gia nới lỏng tiền tệ, tăng chi phí cho vay mà không có khả năng thu hồi có thể đè nặng lên tài chính toàn cầu.

Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng tại mức trên 1.715 USD/oz, giảm hơn 12 USD/oz so với chốt phiên trước.
Lúc 8 giờ 20 sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.717 USD/oz, cũng giảm hơn 12 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và tăng gần 2 USD so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.
 Giá vàng thế giới giảm mạnh, vàng SJC điều chỉnh trái chiều nhau. Ảnh minh họa.

Sáng nay, các DN trong nước điều chỉnh giá vàng miếng SJC trái chiều nhau khi mở cửa phiên.
Cụ thể, lúc 8 giờ 30 sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường tự do tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mốc 47,55 – 48,35 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch quanh mốc 47,55 – 48,37 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều niêm yết tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở quanh mức 47,6 – 48,3 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở quanh mức 47,65 – 48,3 triệu đồng/lượng, giảm  100.000 đồng/lượng chiều mua và 150.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Công ty Phú Nhuận niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 47,3 – 48,6 triệu đồng/lượng, ngang giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán 1,3 triệu đồng/lượng.
Vàng SJC giao dịch tại Vietinbank Gold niêm yết ở mức 47,65 – 48,47 triệu đồng/lượng, ngang giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 820.000 đồng/lượng.
Vàng SJC tại Maritimebank niêm yết ở mức 47,65 – 48,85 triệu đồng/lượng, ngang giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 1,2 triệu đồng/lượng.
Vàng SJC tại Eximbank niêm yết ở mức 47,5 - 48,1 triệu đồng/lượng, ngang giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Sáng nay, vàng nhẫn phú quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết mua - bán ở mức 46,1 – 47,1 triệu đồng/lượng, ngang giá chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.
Nhận định của chuyên gia, giá vàng tiếp tục tăng là do IMF dự báo kinh tế toàn cầu có thể sẽ bước vào đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1930 trở lại đây. Kinh tế toàn cầu có thể giảm 3% tăng trưởng trong năm 2020.
Thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu đêm qua – rạng sáng nay đóng cửa đã chìm trong sắc đỏ. Nguyên nhân là do, thông tin một số DN lớn tại Mỹ công bố kết quả kinh doanh tháng 3 và 3 tháng đầu năm cho thấy sụt giảm mạnh về doanh thu từ 40 – 50% so với cùng kỳ năm trước.
Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF) cảnh báo, dịch bệnh Covid-19 đang khiến cho các ngân hàng ở nhiều quốc gia đẩy mạnh cho vay, trong đó có nhiều khoản vay không có khả năng thu hồi vốn. Điều này, đẩy chi phí cho vay tăng cao, nợ xấu gia tăng sẽ đè nặng lên hệ thống tài chính ngân hàng, gây ra bất ổn.
Theo giới chuyên gia, thông thường khi chứng khoán giảm điểm, thị trường gia tăng bất ổn thì nhà đầu tư sẽ đẩy mạnh mua vàng dự trữ vốn. Tuy nhiên, khi dịch bệnh gia tăng, thị trường bất ổn kể từ khi có dịch bệnh Covid-19 nhà đầu tư thường bán vàng để nắm giữ tiền, vì dễ thanh khoản vừa đáp ứng nhu cầu chi tiêu, vừa có thể chuyển nhanh sang hình thức đầu tư khác thay cho vàng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần