Ngày 21/3, giá vàng thế giới lần đầu tiên vượt lên mốc 2.200 USD/ounce sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì triển vọng thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Giá vàng hợp đồng giao ngay tăng 0,9% lên 2.206,61 USD/ounce.
Thực tế, giá vàng thế giới đã tăng mạnh kể từ giữa tháng 2 do được củng cố bởi những yếu tố hỗ trợ dài hạn, bao gồm rủi ro địa chính trị leo thang và nhu cầu mua dự trữ của các ngân hàng Trung ương trên toàn cầu, dẫn đầu là Trung Quốc.
Tuy nhiên, đà tăng kỷ lục của giá vàng trong những tuần gần đây đã gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát thị trường dày dạn kinh nghiệm vì thị trường vốn chưa có chất xúc tác rõ ràng.
Giá vàng lập đỉnh mới trong ngày 21/3 một phần nhờ kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Mỹ và điều này đã được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tái khẳng định trong cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc vào ngày 20/3.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Fed thông báo giữ nguyên mức lãi suất hiện tại, đồng thời cho biết lãi suất dự kiến sẽ giảm 0,75% vào cuối năm 2024, với 3 đợt hạ lãi suất 0,25%. Fed cũng đánh giá hoạt động kinh tế của Mỹ đang mở rộng với tốc độ vững chắc, trong khi việc làm vẫn tăng trưởng bền vững và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 20/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, lạm phát vẫn đang trong xu hướng hạ nhiệt bất chấp các số liệu mới được công bố cao hơn dự báo và ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ có những đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Là một kênh trú ẩn an toàn, vàng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư, khi các ngân hàng trung ương giảm chi phí cho vay.
Chuyên gia Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Pepperstone Group, nhận định việc Fed chấp nhận mức lạm phát và tình hình thị trường lao động hiện nay đã “bật đèn xanh” cho các nhà giao dịch vàng quay để các nhà đầu tư quay vàng.
Các nhà giao dịch hiện đặt cược 73% cơ hội lãi suất sẽ được cắt giảm trong tháng 6/2024, so với mức 65% được ghi nhận trước quyết định lãi suất của Fed.
Theo Bloomberg, nhu cầu mua vàng tại thị trường Trung Quốc tăng mạnh cũng tạo lực đẩy cho giá vàng thế giới. Không chỉ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, người dân nước này thường xuyên tích trữ vàng xu, vàng miếng và vàng trang sức để bảo vệ tài sản của mình do khủng hoảng bất động sản kéo dài và đà lao dốc của thị trường chứng khoán nước này.
Giám đốc chiến lược hàng hóa Marcus Garvey tại Macquarie Group Ltd nhận định: “Tôi tin rằng kịch bản giá vàng tăng lên mức kỷ lục mới 2.300 USD/ounce sẽ sớm xảy ra khi Fed phát tín hiệu ôn hòa hơn về chính sách tiền tệ”.
Mặt khác, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay được dự đoán sẽ gây ra tác động lớn đến thị trường vàng.
Các chuyên gia phân tích của ngân hàng Socíeté Générale (Pháp) hôm 20/3 nhận định, cuộc bầu cử tại Mỹ cùng với nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương tăng cao tiếp tục là động lực cho đà tăng của giá vàng trong thời gian tới.
“Vàng đang trên đà thiết lập mức đỉnh mới mặc dù nhu cầu mua qua quỹ giao dịch trên sàn (ETF) không tăng đáng kể. Lý do là nhu cầu từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tiếp tục tăng khoảng 330 tấn mỗi quý” - các nhà phân tích của Socíeté Générale lưu ý trong báo cáo mới nhất.
Ngân hàng Socíeté Générale dự báo giá vàng sẽ tăng lên 2.250 USD đến 2.360 USD trong quý II, thậm chí có thể chạm mức cao nhất tới 2.460 USD vào cuối năm nay.