Giá vàng đã tăng năm trong sáu phiên vừa qua sau khi chỉ số đồng USD trượt giảm do lo ngại về tăng trưởng kinh tế và đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục duy trì lãi suất thấp. Tuần trước đồng bạc xanh ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất trong sáu tháng qua.
Chốt phiên New York, Mỹ thứ Hai (13/10), kết thúc đêm qua (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã tăng 0,7% lên 1.231,5 USD/ounce, sau khi chạm mức 1.237,3 USD/ounce, mức cao nhất trong gần bốn năm. Trên sàn Comex, vàng kỳ hạn giao tháng 12 tăng 8,3 USD lên 1.230 USD/ounce.
Ngoài ra, vàng còn được hỗ trợ từ dữ liệu kinh tế quý III/2014 của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tăng trưởng chậm nhất trong hơn 5 năm qua. Các nhà đầu tư suy đoán Bắc Kinh có thể sẽ tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát thị trường cho rằng, vàng vẫn dễ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu triển vọng kinh tế Mỹ sáng sủa hơn. Tuần trước, giá vàng đã giảm xuống 1.183,46 USD/ounce, mức thấp nhất gần bốn năm, sau khi số liệu việc làm tháng 9 của Mỹ cho con số khả quan.
Mức tăng của giá vàng, thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn, vẫn bị hạn chế do giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.
Trong khi đó, lượng vàng nắm giữ của Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR hôm thứ Sáu 10/10 giảm 2,64 tấn xuống 759,44 tấn, thấp nhất kể từ tháng 12/2008.
Tại châu Á, Singapore khởi động hợp đồng giao dịch 25 kg vàng hôm thứ Hai 13/10 trong một nỗ lực cung cấp giá chuẩn cho khu vực.
Châu Á với 2 thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, đang cố gắng giành quyền định giá vàng và thách thức sự thống trị của London và New York.