Mở cửa phiên cuối tuần, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC 44-44,05 triệu đồng, giảm 40.000 đồng bán ra, còn mua vào rẻ đi 50.000 đồng so với sáng qua.
Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý cho biết lúc 9h, doanh nghiệp này thu mua và bán vàng SJC lần lượt ở 44 - 44,05 triệu đồng, không thay đổi so với đóng cửa hôm qua, nhưng giảm nhẹ 40.000-50.000 đồng nếu so với giá đầu ngày 15/3.
Trong khi đó, giá mua bán vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay vẫn niêm yết mức giá của ngày hôm qua, mua vào quanh 43,99 triệu đồng, và bán cho khách là 44,04 triệu đồng mỗi lượng.
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet
Theo giới kinh doanh vàng, ở trong nước, giao dịch vàng miếng đang trong tình trạng ảm đạm do tâm lý chờ đợi những động thái can thiệp tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường vàng. Trong khi đó, giá vàng thế giới dường như không đủ lực để bứt phá qua ngưỡng cản quan trọng 1.600 USD/oz.
Tuần này, giá vàng trong nước tăng 100.000 đồng/lượng sau khi tăng 300.000 đồng/lượng trong tuần trước.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại New York, giá vàng một lần nữa chạm ngưỡng 1.600 USD/oz, nhưng không giữ được mức giá này cho tới chốt phiên. Lúc đóng cửa, vàng giao ngay dừng ở mức giá 1.593,9 USD/oz, tăng 2,6 USD/oz so với chốt phiên liền trước.
Tuy nhiên, tuần này là tuần tăng thứ hai liên tục của giá vàng thế giới sau chuỗi 3 tuần giảm trước đó. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay tăng được 0,9%.
Các động thái mua bán của quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust luôn được xem như một thước đo về niềm tin của giới đầu tư đối với kim loại quý này. Phiên hôm qua, sau hai phiên nằm im, SPDR Gold lại bán ra hơn 3,3 tấn vàng, giảm khối lượng nắm giữ còn 1.233 tấn. Tính chung cả tuần, quỹ đã bán ròng trên 6,7 tấn vàng, đánh dấu tuần bán ròng thứ 11 liên tiếp.
Nếu quy đổi với tỷ giá 20.960 đồng, mỗi lượng vàng thế giới hiện tương đương với 40,25 triệu đồng (chưa bao gồm các loại chi phí). Tính đến sáng nay, chênh lệch này là trên dưới 3,8 triệu đồng.