Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng trở lại mốc 44 triệu đồng/lượng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến 15h chiều nay, giá vàng thế giới tăng mạnh lên xấp xỉ mức 1.680 USD/ounce kéo giá vàng trong nước tăng trở lại mốc 44 triệu đồng/lượng, đắt hơn khoảng 700.000 đồng/lượng so với giá thế giới (đã trừ thuế và chi phí).

Cụ thể, vàng SJC tăng thêm 150.000 đồng/lượng so với trưa nay lên mức 43,7 – 44 triệu đồng/lượng, tức tăng 300.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Vàng Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 150.000 đồng/lượng lên mức 43,9 – 44,15 triệu đồng/lượng.

Vàng SBJ khiêm tốn hơn khi vẫn bán ra chỉ thấp hơn mốc 44 triệu đồng/lượng đúng 10.000 đồng, giao dịch ở mức 43,71 – 43,99 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng thế giới mở cửa phiên châu Âu tăng mạnh lên mức 1.680 USD/ounce sau khi Slovakia trở thành nước duy nhất bỏ phiếu chống lại việc mở rộng quỹ bình ổn tài chính châu Âu.

Với mức giá này, giá vàng trong nước sau khi trừ thuế và chi phí vẫn đứng cao hơn giá vàng thế giới đến 700.000 đồng/lượng.
Trước đó, lúc 11h15, giá vàng SJC chỉ tăng thêm 50.000 đồng/lượng so với mức giá mở cửa sáng nay lên 43,55 - 43,85 triệu đồng/lượng, tức tăng 150.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

 

Tương tự, Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng thêm 50.000 đồng/lượng lên 43,75 - 44 triệu đồng/lượng.

 

Sacombank-SBJ vẫn giữ nguyên mức giá niêm yết từ đầu buổi sáng.

 

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trong phiên châu Á sáng nay tiếp tục diễn biến trong biên độ hẹp. Hiện giá vẫn dao động quanh mốc 1.665 USD/ounce. Với mức giá này thì khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới lên đến 1 triệu đồng/lượng sau khi đã trừ thuế và các chi phí.
 
Lúc 9h, giá vàng SJC giao dịch ở mức 43,5 - 43,8 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
 
Giá vàng trở lại mốc 44 triệu đồng/lượng - Ảnh 1

Vàng SBJ cập nhật lúc 8h mua vào  - bán ra ở mức 43,51 – 43,79 triệu đồng/lượng.

Tại Bảo Tín Minh Châu, cả vàng SJC và vàng Rồng Thăng Long vẫn giữ nguyên mức giá từ cuối chiều qua với mức 43,95 triệu đồng/lượng (bán ra) và 43,6 triệu đồng/lượng (mua vào).

Tại Doji, giá vàng SJC đang được giao dịch ở mức nhỉnh hơn với 43,68 – 43,88 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á hiện đang tăng hơn 2 USD, giao dịch ở mức 1665,6 USD/ounce.

Với mức giá này, quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, giá vàng trong nước (giá vàng SJC) sau khi trừ thuế và các chi phí khác vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 800.000 đồng mỗi lượng.
 
Hôm qua, giá vàng thế giới biến động theo xu hướng giảm là chủ yếu. Đầu phiên châu Á, giá vàng tăng mạnh qua mốc 1.680 USD/ounce. Tuy nhiên, đến cuối phiên giá vàng có dấu hiệu đảo chiều và xuống mức 1.660 USD/ounce trong phiên châu Âu khi các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra do không chắc chắn vào cuộc bỏ phiếu ở Slovakia nhằm phê duyệt quỹ cứu trợ châu Âu.

Sang phiên thị trường Mỹ, giá vàng giao động trong biên độ hẹp. Chốt phiên, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.663,2 USD/ounce, tương đương giảm 0,7%. Trước đó, vàng giao ngay có lúc tăng lên đến 1.684,63 USD/ounce, mức cao nhất kể từ 23/9. 

Giá vàng giao kỳ hạn tháng 12 trên sàn Comex cũng giảm 9,8 USD xuống còn 1.661 USD/ounce. Khối lượng giao dịch chỉ bằng một nửa so với mức trung bình trong 30 ngày.

Slovakia là quốc gia duy nhất trong khu vực đồng Euro bao gồm 17 quốc gia chưa phê chuẩn một kế hoạch tăng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu. Tuy nhiên, thị trường lo sợ Slovakia sẽ không chấp thuận gia tăng quỹ này.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, giá vàng vẫn sẽ hỗ trợ bởi nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh khi các nước châu Á mà tiêu biểu là Ấn Độ và Trung Quốc đang bước vào mùa lễ hội.

Tại Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới, đang bước vào thời kỳ cao điểm, nhu cầu bắt đầu vào tháng Tám với lễ hội Eid, tiếp tục trong tháng Mười với lễ hội Diwali, và tiếp theo đó là mùa cưới truyền thống.

 

Tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, thường mua vàng vào ngày lễ Quốc khánh vào đầu tháng Mười cho đến Tết Nguyên đán vào tháng Giêng.