Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 17/9: Tuần tăng trong biến động

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá xăng dầu ghi nhận tuần tăng tuần thứ 3 liên tiếp, đã có thời điểm chạm “đỉnh” mới trong 10 tháng.

Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 93,93 USD/thùng, dầu WTI đóng cửa ở mức 90,77 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, cả giá dầu Brent và WTI đều đã ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp khi “bỏ túi” khoảng 4%.

Giá dầu tuần này biến động không ngừng với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đều trượt dốc nhẹ sau dữ liệu dự trữ xăng, dầu của Mỹ trong tuần trước tăng. Theo CNBC, điểm đáng chú ý trong biến động giá của tuần này là giá dầu đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong năm tại phiên giao dịch thứ 4.

Với mức tăng lên gần mốc 95 USD/thùng của dầu Brent, nhiều nhà phân tích tin rằng, giá dầu thô có thể chạm mốc 100 USD/thùng trước khi kết thúc năm. Giá dầu tăng trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng về nguồn cung thắt chặt sau khi Saudi Arabia và Nga chuyển sang giảm tồn kho toàn cầu và gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.

 Saudi Arabia ngày 5/9 cho biết sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm. Còn Nga cam kết giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày cho đến cuối năm.

Với mức cắt giảm này, giá dầu có thể sớm tăng vượt mức 100 USD/thùng. Trong một báo cáo nghiên cứu cho thấy, nếu OPEC+ duy trì việc cắt giảm nguồn cung liên tục cho đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tích cực của châu Á, giá Brent có thể tăng vượt 100 USD/thùng trước thềm năm 2024.

Tamas Varga (Công ty môi giới dầu mỏ PVM) viện dẫn những hạn chế sản xuất từ Saudi Arabia và Nga, việc bảo trì nhà máy lọc dầu trong thời gian tới, sự thiếu hụt cơ cấu dầu diesel ở châu Âu và sự đồng thuận ngày càng tăng, nên việc nhảy vọt tới cột mốc 100 USD/thùng của giá dầu là “hợp lý”.

Tuy nhiên, đợt phục hồi như vậy cũng kéo theo áp lực lạm phát mới. Điều này đã được phản ánh trong dữ liệu lạm phát công bố trong tuần của Mỹ và sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng cho thấy lãi suất có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài, có thể có tác động tiêu cực đến cả tăng trưởng kinh tế lẫn nhu cầu dầu mỏ.