Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu liên tục giảm: Đã đến lúc bỏ Quỹ bình ổn

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 15 giờ ngày 4/8, theo yêu cầu của liên Bộ Công Thương - Tài chính, các DN kinh doanh xăng dầu đã điều chỉnh giá bán, đồng thời vẫn giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Cụ thể, giá xăng RON 92 giảm 604 đồng/lít, xăng E5 giảm 593 đồng/lít, dầu diesel 0.05S giảm 637 đồng/lít, dầu hỏa giảm 371 đồng/lít, dầu mazut giảm 378 đồng/kg. Như vậy, mức giá trần đối với xăng Ron 92 sẽ là 14.699 đồng/lít, xăng E5: 14.250 đồng/lít, dầu diesel 0,05S: 11.661 đồng/lít, dầu hỏa: 10.296 đồng/lít, dầu mazút 3,5S: 8.623 đồng/kg.
Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Phạm Hùng
Theo lý giải của Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu do giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới thời gian gần đây có xu hướng giảm. Cụ thể, xăng Ron 92 có giá bình quân từ ngày 20/7 - 4/8 là 47,020 USD/thùng, dầu hỏa: 51,210 USD/tấn, dầu diesel: 50,882  USD/thùng...

Liên Bộ Công Thương - Tài chính yêu cầu giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng khoáng và các mặt hàng dầu là 300 đồng/lít. Tuy nhiên, việc sử dụng Quỹ bình ổn đã có thay đổi, theo đó, Quỹ sẽ không chi kinh phí bình ổn cho tất cả các mặt hàng dầu.

Tiếp tục trích lập 300 đồng/lít nhưng lại không phải chi tiền bình ổn giá, điều này đã khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi: Có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn? Báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, Quỹ bình ổn giá của DN này hiện còn 1.350 tỷ đồng. Với khoản tồn quỹ lớn này vì sao không tiếp tục “xả” quỹ để giá xăng dầu giảm như mong muốn hoặc dừng thu quỹ bởi với số tiền khổng lồ đó, DN đã được hưởng lãi suất ngân hàng? Thắc mắc này cho thấy trong thời gian tới, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cần xem xét lại Quỹ bình ổn còn phù hợp đến mức độ nào, nếu cần cho việc dự phòng trong tương lai thì thời gian đó là bao lâu? Sự cần thiết của Quỹ bình ổn nên được lý giải và vận dụng như thế nào cho thích hợp?

Về vấn đề Quỹ bình ổn còn hàng ngàn tỷ đồng trong khi giá dầu trên thị trường thế giới dao động quanh mức 45 - 50 USD/thùng, đa số các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc tiếp tục trích lập quỹ là không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Và về lâu dài, để đảm bảo mặt hàng xăng dầu được vận hành theo đúng quy luật của thị trường, cơ quan quản lý nên xây dựng Quỹ an ninh năng lượng quốc gia thay vì tiếp tục tồn tại Quỹ bình ổn giá như hiện nay.