Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu tăng không tác động nhiều đến CPI

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại cuộc họp báo thường kỳ về tình hình sản xuất kinh doanh do Bộ Công Thương tổ chức chiều 1/7, ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc giá bán lẻ xăng dầu tăng 2 lần trong vòng một tháng qua và điều này sẽ tác động thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian tới?

>>> Giá xăng dầu vẫn dễ tăng, khó giảm

Việc liên Bộ Công Thương - Tài chính cho phép giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi giá xăng dầu thế giới giảm là điều bất hợp lý. Vậy, ông có bình luận gì về vấn đề này?

- Nếu như giá xăng dầu thế giới giảm, giá trong nước liên tục điều chỉnh tăng thì đây là điều bất hợp lý. Tuy nhiên, số liệu chính thức của liên Bộ Công Thương - Tài chính cho thấy, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng từ cuối tháng 5. Vào thời điểm 21/5 tính bình quân 30 ngày, giá xăng RON 92 ở mức 111,08 USD/thùng; ngày 13/6 bình quân 30 ngày tăng lên 112,975 USD/thùng. Đến 27/6 tăng lên 114,442 USD/thùng. Điều đó cho thấy, việc tăng giá xăng dầu vừa qua là theo đúng quy định của Nghị định 84/2009/NĐ - CP.

Giá xăng dầu tăng không tác động nhiều đến CPI - Ảnh 1

Giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng mạnh đến ngành vận tải.Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Minh Ngọc

Trước khi cho phép tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã đẩy mạnh việc sử dụng Quỹ bình ổn giá.  Nhờ sử dụng Quỹ này, mức tăng mỗi lần điều chỉnh đều không quá lớn, ngày 14/6 sau khi sử dụng Quỹ bình ổn, mức điều chỉnh tăng giá bán lẻ tối đa 426 đồng/lít, 28/6 cho phép tăng tối đa 370 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu tăng liên tục sẽ ảnh hưởng đến CPI như thế nào?

- Xăng dầu là hàng hóa đầu vào của các ngành sản xuất, việc tăng giá sẽ làm tăng chi phí sản xuất. Tuy nhiên, nếu cố định các yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất mà chỉ tính riêng xăng dầu tác động vào giá do  điều chỉnh lần này thì tổng mức tăng CPI trong thời gian tới cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo đánh giá của Tổ thị trường trong nước, dự kiến, tổng tác động của 2 lần tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ làm CPI tăng thêm khoảng 0,15%, trong đó, tác động trực tiếp là 0,1%. Tuy nhiên, do thời gian chốt số liệu CPI của tháng 7 được tính từ ngày 15/6 đến 15/7 nên tác động trực tiếp lên CPI tháng 7 sẽ không cao chỉ khoảng 0,07% so với tháng 6/2013. Phần tác động còn lại sẽ dồn vào các tháng tiếp theo. Những ngành chịu tác động mạnh nhất từ việc tăng giá xăng dầu là vận tải hành khách và hàng hóa, đánh bắt thủy sản.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 84 cho phép DN kinh doanh xăng dầu được chủ động tăng giá bán lẻ trong phạm vi 5%, điều này có tạo cơ hội cho DN đầu mối tự ý tăng giá?

- Mặc dù Dự thảo sửa đổi Nghị định 84 cho phép DN đầu mối xăng dầu được chủ động tăng giá bán lẻ trong phạm vi 5% nhưng điều đó không có nghĩa là liên Bộ Công Thương - Tài chính để DN tự do tăng giá, họ vẫn buộc phải tuân thủ chặt chẽ cách tính giá bán lẻ mà Nghị định 84 đã quy định.

Theo đó, khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, DN đầu mối đồng thời phải gửi quyết định giá và phương án giá của mình đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, khi nhận được quyết định giá và phương án giá của DN đầu mối, có trách nhiệm giám sát để bảo đảm việc điều chỉnh giá theo đúng quy định của pháp luật.

Việc cho phép DN được chủ động tăng, giảm giá bán lẻ theo diễn biến thị trường thế giới sẽ tạo ra sức cạnh tranh bình đẳng giữa các DN, tiến tới xây dựng kinh tế thị trường.

Có ý kiến cho rằng, dù lực lượng quản lý thị trường khi tiến hành rà soát hệ thống bán lẻ xăng dầu và đã phát hiện nhiều cửa hàng xăng dầu nằm ngoài quy hoạch nhưng địa phương vẫn cho phép tồn tại. Vậy, Bộ Công Thương có giải pháp như thế nào về vấn này?

- Đối với vấn đề này, quan điểm của Bộ Công Thương là kiên quyết rút giấy phép những cây xăng không nằm trong quy hoạch hoặc không đủ điều kiện kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Đang rà soát phương án điều chỉnh giá điện

Tại buổi họp báo chiều 1/7, trả lời các vấn đề liên quan tới giá điện, ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Liên bộ Công Thương - Tài chính đang tiến hành rà soát, xem xét về khả năng điều chỉnh giá điện và sẽ có đề xuất lên Chính phủ.

Việc điều chỉnh giá điện được thực hiện theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Theo đó, giá điện sẽ được điều chỉnh khi thông số đầu vào ảnh hưởng tới giá điện (nguyên liệu, ngoại tệ) tăng từ 2 - 5% và trong khung giá quy định thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép điều chỉnh tăng giá tương ứng sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong trường hợp thông số đầu vào biến động trên 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định EVN phải báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định, sau đó trình Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện bao nhiêu và vào thời điểm nào được căn cứ vào nhiều yếu tố trong đó có tính tới yếu tố lạm phát và các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.