Giấc mơ có thật?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà quản lý của Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Đông Nam Á (AFF) đang ấp ủ một kế hoạch đầy tham vọng, đó là tổ chức một giải đấu siêu hạng dành cho các CLB giàu có trong khu vực với cái tên Asean Super League.

Kế hoạch này xuất phát từ ý tưởng làm sao để nâng tầm bóng đá Đông Nam Á. Thế nhưng, với nhiều người, đây là một giấc mơ, hay là câu chuyện của tương lai.

Giải đấu của nhà giàu

Ý tưởng tổ chức Asean Super League xuất phát từ LĐBĐ Singapore. Họ muốn biến giải đấu cấp CLB của Đông Nam Á thành sân chơi chuyên nghiệp, chất lượng, có thể mang đến những đột phá về chuyên môn. Giải thưởng và chế độ tài chính mà Asean Super League đem đến cho các đội bóng được hứa hẹn là vô cùng "khủng".
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Asean Super League là giải đấu tập hợp các đội vô địch của những nền bóng đá mạnh nhất khu vực. Với những nền bóng đá yếu như Campuchia, Lào, Đông Timor thì các nhà vô địch sẽ phải trải qua vòng đấu loại để xác định vé vào vòng chung kết. Giải đấu này sẽ kéo dài trong 8 tháng và đá theo thể thức vòng tròn một lượt trên sân nhà và sân khách.

Quyền lợi lớn, nhưng AFF cũng đưa ra những tiêu chí rất chặt chẽ. Các đội bóng phải cam kết tham dự giải đấu trong 5 năm liên tiếp. Ngoài ra, một tiêu chí khiến nhiều đội bóng tá hỏa là ngoài việc đáp ứng những điều kiện khắt khe về cơ sở vật chất, mỗi đội bóng phải ký quỹ 100 tỷ đồng. Đây có thể là khoản kinh phí không lớn với những đội bóng của Singapore, Malaysia hay Thái Lan nhưng lại là rào cản với nhiều đội bóng ở khu vực, trong đó có Việt Nam. Thế nên, mặc dù Singapore và AFF vốn đang tích cực vận động cho giải đấu, các LĐBĐ khác vẫn đang giữ thái độ thăm dò và chưa cho thấy quan điểm chính thức của mình.

Khó cho V.League

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là với những điều kiện khắt khe đó, các đội bóng Việt Nam có thể đáp ứng? Hiện, V.League có không ít đội bóng giàu có. Thế nhưng, ngay cả những đội bóng giàu có nhất thì cũng chưa thể có ngân sách hoạt động lên đến 100 tỷ đồng như AFF yêu cầu. Thậm chí, trong bối cảnh khó khăn kinh tế như hiện nay, phần lớn các đội bóng có xu hướng cắt giảm kinh phí. Hiện tại, một số đội bóng giàu có cũng chỉ có ngân sách hoạt động khoảng 50 - 60 tỷ đồng.

Tài chính luôn là thách thức với các đội bóng ở Việt Nam. Đơn giản bởi họ vẫn chưa thể sống bằng cách hoạt động kinh doanh bóng đá. Các ông bầu bằng trách nhiệm và sự cuồng si của mình vẫn đều đặn bơm tiền nhưng sức của họ chỉ có hạn.

Bên cạnh đó, một lý do khiến nhiều người tin rằng, các đội bóng Việt Nam khó có thể tham dự Asean Super League là hoặc họ sẽ phải bỏ V.League, hoặc thành lập thêm một đội bóng nữa và đá 2 giải đấu cùng một thời điểm. Bỏ V.League là điều các đội bóng không bao giờ dám, bởi quyền lợi về kinh tế cũng như tầm ảnh hưởng với xã hội của các ông bầu gắn chặt với sân chơi này. Không tham dự sân chơi này, họ sẽ đánh mất tất cả. Trong khi đó, tham dự Asean Super League chỉ mang đến sự cộng hưởng vừa phải về thương hiệu chứ không phải là vấn đề cốt tử của một đội bóng.

Không thể bỏ V.League, các đội bóng dù giàu có đến đâu cũng khó có thể thành lập thêm một đội bóng nữa. Bởi lẽ, huy động 50 tỷ đồng nuôi đội bóng đã khó, giờ lại thêm từng đó chi phí thì các ông bầu sẽ quá tải. Đó là chưa kể đến việc, đã mang quân đi đá ở nước ngoài thì lực lượng phải mạnh mà trong bối cảnh hiện tại, rất khó để các đội bóng tập hợp lực lượng.

Vậy mới nói, Asean Super League đúng là một giải đấu đẳng cấp. Nhưng có thể, nó chỉ là giấc mơ, hoặc là kế hoạch ở thì tương lai của các đội bóng Việt Nam.