Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giấc mơ của ông Hoàng Anh Tuấn

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, khi được hỏi về giấc mơ của mình, người hùng của U19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn đã bộc bạch: “Tôi mơ một ngày có thể ra nước ngoài cầm quân.

Tôi tin mình hoàn toàn có thể làm được việc và đang chuẩn bị cho kế hoạch lớn của mình”.
Không ai mơ như ông Tuấn
Bóng đá Việt Nam trong hơn 20 năm qua chứng kiến sự hội nhập mạnh mẽ với thế giới phát triển. Nền bóng đá chứng kiến sự du nhập không ngừng từ các yếu tố ngoại. Đầu tiên là các chuyên gia ngoại lần lượt đến Việt Nam cầm đội tuyển quốc gia và các đội bóng. Tiếp đó, các cầu thủ ngoại, thậm chí cả bác sĩ ngoại cũng đến Việt Nam theo lời mời từ các đội bóng. Đến lúc này, cầu thủ ngoại là thành phần không thể thiếu ở V.League. Họ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng V.League. Thậm chí, chính việc thường xuyên được tiếp xúc với yếu tố ngoại mà các cầu thủ, HLV Việt Nam ngày một trưởng thành về bản lĩnh trận mạc.

Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn.

Rất nhiều HLV, cầu thủ ngoại đã đến Việt Nam và lập được công trạng. Một số cầu thủ Việt Nam cũng bắt đầu tìm đường ra nước ngoài dù phần đa được cho là phục vụ cho yếu tố thương mại. Thế nhưng, chưa có những HLV Việt Nam đến những nền bóng đá mạnh lập nghiệp dù đâu đó đã có những người thành công ở Lào, Campuchia. Vậy nên, khi ông Hoàng Anh Tuấn mơ một ngày sẽ cầm một đội bóng nước ngoài, không ít người đã sốc. Sốc bởi trong ý niệm các nhà quản lý lẫn chuyên môn ở Việt Nam lúc này không có khái niệm ra nước ngoài dẫn dắt một đội bóng. Vậy nhưng, ông Hoàng Anh Tuấn lại nghĩ khác. Nhà cầm quân này cho rằng mình có đủ khả năng và điều kiện để ra nước ngoài lập nghiệp. Về bằng cấp, HLV Hoàng Anh Tuấn đã có bằng chuyên nghiệp do FIFA cấp. Về thực tiễn bóng đá, ông nhiều năm lăn lộn ở V.League và đã thành công ở VCK U19 châu Á cũng như giải vô địch U19 ĐNÁ.
Huấn luyện viên Việt Nam thiếu gì?
Lâu nay các HLV Việt Nam không nghĩ đến việc ra nước ngoài tìm việc, bởi họ tin rằng đó là sân chơi chẳng dành cho mình. Thế nhưng, khi sự hội nhập ở mức cao độ thì những HLV trẻ tân tiến lại nghĩ khác. Họ không hài lòng với cuộc sống đủ đầy ở V.League mà muốn bơi ra biển lớn, vượt qua thách thức, tìm kiếm vinh quang. Vậy nhưng, để hoàn thành được giấc mơ lớn ấy, các HLV Việt Nam phải vượt qua rất nhiều rào cản.
Một trong những hạn chế lớn nhất có thể cản đường ra biển lớn của các ông thầy nội chính là ngôn ngữ. Hầu hết các HLV hiện nay không thể nói được tiếng Anh, trong khi đây là điều kiện bắt buộc để ra nước ngoài làm việc. Thường thì các HLV, cầu thủ Việt Nam hiện nay đều không chịu học, hoặc tự học tiếng Anh dù môi trường của họ thường xuyên tiếp xúc với yếu tố ngoại. Vì thế, việc có thể trao đổi tiếng Anh thành thạo như các HLV Hoàng Anh Tuấn, Phan Thanh Hùng là trường hợp vô cùng hiếm.
Bên cạnh đó, muốn làm việc ở những môi trường bóng đá phát triển thì các HLV Việt Nam phải thường xuyên cập nhật kiến thức bóng đá mới. Đây cũng là vấn đề lớn của các ông thầy nội bởi lâu nay, họ làm việc theo kinh nghiệm chủ nghĩa. Những bài tập, chiến thuật được áp dụng tại V.League vốn đã quen thuộc với bóng đá Việt Nam hàng chục năm qua và không được đổi mới. Bóng đá Việt Nam thường quan niệm, để thành công thì cần quân phục chứ không cần triết lý bóng đá hay. Trong khi đó, bóng đá thế giới thay đổi từng ngày, từng giờ và nếu không đủ khả năng cập nhật, các HLV Việt Nam khó lòng theo đuổi cuộc chơi ở bên ngoài biên giới Việt Nam.