Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giấc mơ Tam Hiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2014 đạt 250 tỷ đồng (bằng 70,4% tổng giá trị các ngành kinh tế), không thể phủ nhận lợi ích rất lớn của nghề may đối với cơ cấu kinh tế xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ.

Nghề may mặc cũng là một trong những đòn bẩy then chốt góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống chỉ còn dưới 1,8%. Vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là làm sao phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế - xã hội của làng nghề.
Một xưởng may ở làng nghề ở Tam Hiệp. 	Ảnh: Trọng Tùng
Một xưởng may ở làng nghề ở Tam Hiệp. Ảnh: Trọng Tùng
Theo ông Phùng Anh Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, muốn thực hiện được điều này cần quy hoạch làng nghề sản xuất gắn với phát triển du lịch văn hóa. Thực tế, ở Tam Hiệp không thiếu những điều kiện, cơ sở cần thiết để có thể phát triển mô hình làng nghề kết hợp du lịch. Hiện, toàn xã có tới 19 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 8 di tích đã được xếp hạng (2 cấp tỉnh, TP và 5 cấp quốc gia). Đặc biệt, đình Mỹ Giang là ngôi đình cổ thờ vị tướng công Đỗ Năng Tế, thầy dạy học của Hai Bà Trưng. Không chỉ vậy, Tam Hiệp cũng là địa phương còn lưu dấu nhiều nét đẹp truyền thống “cây đa, giếng nước, sân đình” từng gắn bó với người Việt qua nhiều tháng năm thăng trầm lịch sử…
Hiện, toàn xã có tới 19 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 8 di tích đã được xếp hạng (2 cấp tỉnh, TP và 5 cấp quốc gia). Đặc biệt, đình Mỹ Giang là ngôi đình cổ thờ vị tướng công Đỗ Năng Tế, thầy dạy học của Hai Bà Trưng.

Để cụ thể hóa “giấc mơ” biến Tam Hiệp trở thành làng nghề kết hợp du lịch, mới đây, Huyện ủy Phúc Thọ đã ban hành Nghị quyết số 12 về “Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã Tam Hiệp thành điển hình về phát triển làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2015 – 2020, định hướng 2025”. Mục tiêu là phát triển Tam Hiệp thành làng nghề kết hợp du lịch trọng điểm của huyện.

Ông Hoàng Mạnh Phú – Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ chia sẻ, sau khi có Nghị quyết, huyện đã xây dựng đề án với các bước thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, huyện sẽ tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng (giao thông, điện lưới, hệ thống thoát nước và xử lý chất thải, mạng lưới chợ). Giai đoạn 2 sẽ tập trung đầu tư mở rộng làng nghề gắn với phát triển các sản phẩm du lịch. Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực của địa phương, huyện kiến nghị TP quan tâm, bố trí nguồn vốn phục vụ mở rộng tuyến QL32, và tổ chức lại nút giao thông cầu Phùng – Tam Hiệp để đáp ứng nhu cầu giao thương. Cùng với đó là đầu tư nâng cấp các tuyến đường trục liên thôn, xã; hệ thống xử lý môi trường làng nghề, nhằm phát triển bền vững làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp kết hợp du lịch ở Tam Hiệp. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội để Tam Hiệp vươn mình trở thành “điểm sáng” về làng nghề, không chỉ của riêng Phúc Thọ, mà còn của TP Hà Nội nói chung. Trên hết, việc phát triển thành công làng nghề Tam Hiệp kết hợp du lịch còn là tiền đề, mở ra hướng đi cho việc phát triển nhiều làng nghề khác trên địa bàn TP trong những năm tới đây.