Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giấc mơ văn minh, thanh lịch đang đến gần?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều lần lỡ hẹn, hệ thống quy tắc ứng xử (QTƯX) của người Hà Nội đang dần hoàn thiện và sắp được ban hành.

Bộ quy tắc này đã được rút gọn, dễ nhớ, dễ hiểu nhiều hơn so với dự thảo trước đây. Do nhận được nhiều ý kiến đồng thuận nên rất có thể những quy tắc gồm 3 chương 7 điều, khuyên người Hà Nội những việc nên, không nên làm, sẽ được trình TP ban hành đầu năm 2016.

Những quy tắc thường thấy

Những bậc cao tuổi ở ngưỡng 60 - 70 tuổi nhìn về văn hóa Hà Nội đã thấy nhuốm màu phôi pha. Những lễ nghĩa, phong tục, lối sống của người Tràng An đã đổi thay, có cái đẹp hơn, nhưng cũng không ít nét thanh lịch văn minh đã dần phai màu.

Theo nhà thơ Bằng Việt, bên cạnh sự hội nhập về văn hóa, nếp nghĩ nếp nhà của người Hà Nội không còn bị khu lập mà mang tính hòa nhập; thì trên mảnh đất Tràng An ngày nay cũng thường diễn ra cảnh chen lấn xô đẩy nơi bến tàu, nhà ga. Vỉa hè, lòng đường vốn dành cho các phương tiện giao thông cũng bị lấn chiếm để kinh doanh.
Cảnh sát giao thông Hà Nội giúp đỡ người già qua đường. Ảnh: Chiến Công
Cảnh sát giao thông Hà Nội giúp đỡ người già qua đường. Ảnh: Chiến Công
Không phải ngẫu nhiên, nhiều năm liền, UBND TP Hà Nội chọn chủ đề “Năm trật tự và văn minh đô thị” để mong một Thủ đô bình yên, không còn cảnh lạng lách, bon chen dẫn đến UTGT. Những cô gái Hà Nội ngày nay khi ra đường tuy không cần áo dài, khăn xếp chỉnh tề như các bà, các chị ngày trước, nhưng vẫn giữ được sự kín đáo, nhẹ nhàng trong cách ăn mặc vốn có.

Trước tình trạng xuống cấp về văn hóa của một bộ phận người dân, người Hà Nội ngóng chờ hệ thống QTƯX trong cộng đồng của riêng TP mình. Sau nhiều năm nghiên cứu, xây dựng, hệ thống quy tắc ấy vẫn còn chờ. Trước đây, dự thảo bộ khung QTƯX ôm đồm 6 nhóm đối tượng: Cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, DN, khu dân cư và nơi công cộng đã gặp phải không ít ý kiến trái chiều về những khái niệm trùng lắp, khó nhớ, khó hiểu để áp dụng thực tế.
 Trong hệ thống QTƯX lần này có quy định những việc không được làm, để quy tắc thực hiện hiệu quả nên đưa ra các chế tài đi kèm, như vậy mới có sức răn đe với người dân, bộ quy tắc mới đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, khi đã xây dựng hoàn chỉnh bộ quy tắc thì việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi người dân của Thủ đô là rất quan trọng, cần phải làm tập trung.
TS Nguyễn Tiến Dũng

Hội đồng Lý luận T.Ư
Hiện nay, Sở VH&TT Hà Nội đã rút gọn hệ thống QTƯX trong địa bàn công cộng như: Vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường, tượng đài; khu vực tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện; trung tâm thương mại, nhà hàng; chợ nhà ga, bến xe, bến tàu thuyền; khu vui chơi, giải trí. Hệ thống QTƯX cũng đưa ra những việc nên, không nên tại các địa điểm công cộng.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) nhận định: “Sau khi sửa đổi, đơn vị tư vấn xây dựng hệ thống QTƯX của Sở chỉ ra được việc làm, hành động cụ thể để giữ gìn nét đẹp của người Tràng An. Rõ ràng, những quy định nên và không nên của hệ thống quy tắc như: Không chen lấn xô đẩy, quát mắng nói to, cười to, hút thuốc lá, mặc đồ ngủ ra đường… đều là những việc cần chấn chỉnh hàng ngày. Ai ai cũng cần thực hiện. Thế nhưng, trước những xô bồ của nhiều thành phần dân cư về với Hà Nội, mang theo tập quán, nếp sinh hoạt chốn thôn quê ra TP thì những quy tắc ấy vẫn phải nhắc nhở thường xuyên”.

Thí điểm thực hiện trong năm 2016?

Bộ QTƯX được xem là chấn chỉnh văn hóa Hà Nội không quá 3 lần lỡ hẹn được ban hành. Nhiều người sốt ruột cho sự ra đời chậm trễ ấy. Nhà nghiên cứu lý luận Nguyễn Hòa bày tỏ: Trong bối cảnh văn hóa Hà Nội đang diễn biến phức tạp và có biểu hiện như “văn hóa bãi bia” thì hệ thống QTƯX là rất cần thiết, không thể chậm trễ.

Tuy nhiên, không thể chỉ có vài ba cuộc vận động mà phải coi như công việc lâu dài”. Trong cuộc tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình 04/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội hồi tháng 7/2015, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đề nghị Ban xây dựng đề án phải quy định hạn chót cho việc ban hành đề án này: “Cần khẩn trương đưa bộ QTƯX cho người Hà Nội”.

Sau một thời gian chỉnh sửa, lấy ý kiến của các đơn vị như MTTQ, Đoàn thanh niên…, hệ thống QTƯX đã có hình hài, dự kiến có thể xin ý kiến ban hành vào đầu năm 2016. “Hệ thống QTƯX đến nay cơ bản đã hoàn thiện. Đầu năm 2016, Sở VH&TT Hà Nội sẽ trình UBND TP phê duyệt để áp dụng thí điểm ngay tại một số khu vực. Chúng tôi thực hiện trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có điểm gì chưa phù hợp sẽ tiếp tục chỉnh sửa hệ thống QTƯX trước khi ban hành rộng rãi” - Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động cho biết.

Không dựa vào chế tài xử phạt

Hiện nay, đơn vị xây dựng các quy tắc này vẫn lăn tăn chế tài để đề án đi vào cuộc sống. Văn hóa ứng xử mang tính chất giáo dục, định hướng không phải là hành vi nên không thể đưa ra chế tài xử phạt, đó là quan điểm của cơ quan chỉ đạo đề án. Nhiều bộ, ngành xây dựng QTƯX cho cán bộ, nhân viên của mình thời gian qua.

Đây được coi là những văn bản quy phạm pháp luật, nếu vi phạm là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với nhiều vi phạm khác, chỉ có thể giải quyết bằng những giao ước giữa các thành viên trong cộng đồng, nhất là ở lĩnh vực tinh thần, đạo đức. Với những thủ tục cưới xin, ma chay, ăn hỏi, lễ lạt, thăm viếng nhau..., rất khó có thể luật hóa mà chỉ dựa trên những quy tắc về đạo đức.

 “Hệ thống QTƯX cần bắt đầu từ gia đình, từ mỗi người lớn. Phải làm cho người dân có lòng tự trọng và biết xấu hổ khi làm những việc xấu. Sống có văn hóa là biết tôn trọng người khác, là ứng xử chân thành, biết chia sẻ và đồng cảm với nỗi đau của đồng loại, biết làm cho chính mình và đồng loại ngày càng lương thiện” - ông Hòa hiến kế cho đơn vị xây dựng đề án.

Cùng quan điểm, ông Vũ Hoài Phương - nguyên Trưởng phòng Văn hóa quận Tây Hồ cho rằng: “Từ xa xưa mỗi làng có hương ước và người dân đều phải tuân theo. Hiện nay, cộng đồng dân cư đã được mở rộng, song chúng ta vẫn nên lấy hương ước là quy tắc chung, sau đó bổ sung thêm những quy tắc mới cho phù hợp thời đại mới. Quy tắc dành cho người bản địa, và nếu người bản địa nghiêm, mẫu mực thì ý thức của người dân khác đến Thủ đô cũng sẽ điều chỉnh theo”.

Đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Đảng bộ TP Hà Nội, từng mong ước: “Với Hà Nội, có lẽ không nhất thiết phải dẫn đầu về mặt kinh tế mặc dù cũng rất cần chú trọng phát triển kinh tế. Cái Hà Nội cần có chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về mặt văn hóa, mà văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng là cuộc sống, là lối sống, là trật tự, kỷ cương, là văn minh, thanh lịch, hiện đại”.

Hệ thống QTƯX có được ban hành cũng không thể giúp Hà Nội đẹp lên trong ngày một ngày hai mà có thể phải mất 5 năm, 10 năm, người Hà Nội mới thấm hết được những điều mong ước từ hệ thống quy tắc này. Hà Nội rất cần hệ thống QTƯX để lưu giữ nét đẹp văn hóa ngàn năm.
Không nên quát mắng, gây tiếng ồn; không nên xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác… ở những địa điểm công cộng là việc làm cần thiết, là những quy tắc ứng xử thông thường. Thế nhưng, Hà Nội vẫn phải đưa vào hệ thống QTƯX như một bản cửu chương để người dân nhớ, thực hiện; trả lại không khí trật tự, bình yên của Thủ đô thuở nào.

Nhà thơ Bằng Việt