Mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây mới thêm 1,25 triệu mét vuông sàn, nội dung này được TP xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm giải bài toàn về chỗ ở cho người thu nhập thấp, trước tình trạng giá nhà đất leo thang mạnh như hiện nay.
Mục tiêu sát thực tế
Thời gian gần đây, công tác phát triển NƠXH trên phạm vi cả nước nói chung và địa bàn TP Hà Nội nói riêng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Hà Nội là một trong hai đô thị có nhu cầu về NƠXH lớn nhất cả nước cùng với TP Hồ Chí Minh, dẫu còn gặp nhiều khó khăn bởi thực trạng chung, nhưng công tác phát triển NƠXH trên địa bàn Thủ đô đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, TP đã hoàn thành 25 dự án NƠXH với khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn và 52 dự án đang triển khai với khoảng 4,14 triệu mét vuông sàn. NƠXH của TP được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị; đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội. Ngoài ra, TP cũng đang triển khai 5 khu NƠXH độc lập (tập trung) hiện đại với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, lượng người nhập cư lớn, cùng với đó là việc mở rộng quy mô dân số ra các vùng nông thôn trong quá trình đô thị hóa... khiến nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng, đặc biệt là nhà ở dành cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp.
Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đã xây dựng, ban hành Chương trình phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm 2021 – 2025, đã được HĐND TP Hà Nội thông qua. Theo đó, xác định nhu cầu về NƠXH đến năm 2030 trên địa bàn là khoảng 6,8 triệu mét vuông sàn, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng khoảng 12.500 tỷ đồng.
Để cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch đề ra, UBND TP Hà Nội vừa mới ban hành Quyết định số 5063/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển NƠXH TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng mới thêm 1,25 triệu mét vuông sàn. Việc ban hành kế hoạch nhằm xác định vị trí, khu vực, diện tích đất cần phát triển nhà ở; số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, số lượng nhà ở, tổng diện tích sàn; tỷ lệ các loại NƠXH để bán, cho thuê, cho thuê mua; nguồn vốn huy động phát triển; thời gian triển khai thực hiện các dự án giai đoạn 2021 - 2025.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức rà soát, thống kê quỹ đất quy định là 20% (riêng TP Hà Nội là 25%) dành cho NƠXH thuộc các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; kiểm soát tiến độ dự án đang đầu tư xây dựng nhà ở, xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng để đảm bảo hiệu quả việc sử dụng quỹ nhà ở.
Theo đánh giá, mục tiêu đến năm 2025 xây dựng mới thêm 1,25 triệu mét vuông sàn hoàn toàn khả thi, vì giai đoạn 2016 – 2020 TP đã thực hiện được khối lượng công việc tương tự; tuy nhiên, mục tiêu này có thể vượt xa nếu như TP được chấp thuận cơ chế đặc thù về sử dụng nguồn vốn đầu tư, như việc cân đối nguồn ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất để làm kinh phí xây dựng NƠXH...
“Thời gian tới, TP sẽ có nhiều chính sách ưu tiên phát triển quỹ nhà ở phục vụ công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, người thu nhập thấp. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn bộ quy hoạch chi tiết từ cấp quận, huyện, thị xã của quỹ đất 25% bắt buộc dành cho NƠXH tại dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Cùng với đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết phải bố trí khu vực NƠXH và việc chấp hành quy định dành quỹ đất cho phân khúc nhà ở này tại những dự án BĐS nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị” – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho hay.
Đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội
Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, để thực hiện mục tiêu trên, Sở đã tham mưu UBND TP thực hiện 5 giải pháp, cụ thể: Đẩy mạnh xây dựng khu NƠXH độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xã hội; Rà soát quy hoạch khu công nghiệp, khu vực giáp ranh khu công nghiệp, rà soát khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (với Hà Nội là 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng NƠXH đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển đặt ra; Bố trí nguồn tiền từ chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng NƠXH theo quy định.
Đồng thời kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng NƠXH - độc lập, cho thuê, phục vụ tái định cư; cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi (qua Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng chính sách) dành cho đối tượng ưu tiên theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở; Khuyến khích nhà đầu tư đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp xây dựng NƠXH gắn với đồng bộ thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân, người lao động trong quá trình hình thành khu công nghiệp mới.
Đánh giá một cách khách quan, công tác phát triển NƠXH trên địa bàn TP
Hà Nội mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế vẫn gặp phải những khó khăn, như: Chưa đạt mục tiêu về số lượng sàn nhà ở giai đoạn 2010 – 2020, trong cả giai đoạn này TP mới xây mới được 3,6 triệu mét vuông sàn NƠXH, đạt tỷ lệ 68,3%; hay việc giá đất đô thị leo thang khiến giá bán NƠXH cũng tăng cao, người thu nhập thấp càng thêm khó khăn trong việc sở hữu nhà... Vì vậy để thực hiện các mục tiêu đề ra, ngoài việc vận dụng linh hoạt những cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật, TP cần đẩy mạnh huy động nguồn lực từ xã hội hóa tham gia công tác phát triển NƠXH.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ quy mô quỹ đất dành cho phát triển nhà ở, đặc biệt với NƠXH, nhà ở giá rẻ ở mỗi phân khu quy hoạch. Dành tỷ lệ đất ở hợp lý trong tổng số đất đai quy hoạch để phát triển phân khúc nhà ở này, từ đó có kế hoạch đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu nhà ở trong từng giai đoạn. Đồng thời, các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 quy mô từ 10ha trở lên, tỷ lệ bố trí đất xây NƠXH phải đảm bảo nguyên tắc dành bình quân 25% diện tích đất ở theo Nghị quyết của HĐND TP.
“Tôi cho rằng cần phải cho phép Hà Nội thực hiện một số cơ chế mang tính đặc thù trong việc sử dụng quỹ đất, đối với các khu đất do chủ đầu tư tự tạo lập thì cho phép DN được quyền lựa chọn phương án bố trí bằng đất tại khu vực phù hợp để phát triển NƠXH hoặc bằng tiền mà không phân biệt quy mô khu đất, dự án. Cùng với đó TP cũng phải đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh huy động nguồn vốn từ xã hội hóa, đây là nguồn lực quan trọng để đẩy nhanh tiến trình phát triển NƠXH trên địa bàn Thủ đô” – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.
Phát triển NƠXH là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn nhiều bất cập, trong đó có việc sử dụng quỹ đất 20% của các khu đô thị. Hiện nay, TP đã kiến nghị với Chính phủ cho phép xây dựng các khu NƠXH tập trung. Đây cũng là hướng TP điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó có thể bố trí những khu NƠXH tập trung với diện tích lên tới 200 - 300 ha. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Hà Nội đã xây dựng chương trình phát triển nhà ở của riêng mình. Trong đó, để tránh quá tải lên hạ tầng đô thị, giúp người dân có nhà ở sẽ tập trung phát triển những vùng ven đô thị, hạn chế phát triển ở nội đô lịch sử hoặc trung tâm hiện hữu của nội đô cũ. Như vậy, Hà Nội phải đẩy mạnh việc phát triển 5 đô thị vệ tinh, giải quyết chỗ ở từ 2,5 - 3 triệu người. Ngoài ra, trong thời gian tới, cần phải cải thiện về chính sách, tăng thu nhập cho người dân, thì mới mong nhiều người có cơ hội sở hữu nhà.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm