Thiếu quy hoạch
Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa cao, Hà Nội đang phải chịu sức ép rất lớn về giao thông vận tải do nhu cầu đi lại ngày càng cao, phương tiện giao thông cá nhân tăng rất nhanh, trong khi mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, hạ tầng giao thông còn thiếu rất nhiều và chưa đồng bộ. Sự mất cân đối trong bố trí dân cư gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ kéo dài tại một số khu vực, một số nút giao và các tuyến đường chính.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhận định, nguyên nhân chính là do kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thiếu rất nhiều và quá nhiều yếu kém, bất cập. Đặc biệt là việc thiếu quy hoạch tổng thể và đồng bộ về phát triển GTVT. Công tác điều tra, dự báo nhu cầu không sát, năng lực quy hoạch, quản lý chuyên ngành yếu, dẫn tới thiếu sự kết nối đồng bộ, thậm chí có công trình vừa xây dựng xong đã không đáp ứng đủ nhu cầu. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vẫn còn thiếu quá nhiều và vận tải hành khách công cộng hiện chưa phát triển.
Hà Nội là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa, chính trị, các hội nghị quy mô lớn, khách du lịch đến tham quan đông. Khu vực trung tâm Thủ đô tập trung nhiều chợ, trung tâm thương mại, các trường đại học, bệnh viện… thu hút nhiều người đến mua bán, học tập, khám chữa bệnh. Ông Huỳnh Tấn Nam, Phòng CSGT Công an TP phân tích thêm: Công tác quy hoạch và xây dựng đô thị còn nhiều vấn đề bất hợp lý. Hàng loạt nhà cao tầng mọc lên, bám sát các đường phố nhỏ hẹp. Các khu đô thị, khu dân cư mới tuy được triển khai nhiều nhưng lại thiếu những cơ sở dịch vụ thiết yếu tại chỗ như: chợ, trường học, trung tâm khám chữa bệnh, khu vui chơi… gia tăng tần suất hoạt động của các phương tiện giao thông theo hướng đan chéo nhau, tăng áp lực lên hệ thống giao thông đô thị.
Lấy giao thông làm chủ thể
Tình trạng UTGT tại Hà Nội kéo dài nhiều năm và đang trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Phương án đổi giờ học, giờ làm nhằm chống UTGT được Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất là vấn đề nóng, được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.
Để giải quyết hiệu quả bài toán giao thông đô thị thực sự không đơn giản. Thời gian qua, các cơ quan chức năng tại Hà Nội đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu UTGT. Các biện pháp được đưa ra như hạn chế phương tiện cá nhân, tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng; quy hoạch tổng thể giao thông Hà Nội; tuyên truyền giao thông sâu rộng đến các tầng lớp dân cư; tổ chức thực hiện phân làn, phân luồng; tạm dừng đăng ký xe máy ở các quận nội thành; xây dựng đề án thu phí vào khu vực hạn chế đi lại; hạn chế đỗ xe trong khu vực trung tâm; đầu tư các đô thị mới khu vực ngoại thành để kéo dân ra; tăng cường năng lực quản lý điều hành giao thông và các biện pháp tổ chức giao thông…
Các nhà khoa học đánh giá, dạng đô thị hiện nay không bền vững. Giao thông phải được xem là định hướng cho quy hoạch sử dụng đất thì chỉ được xem như công cụ kết nối. Đã đến lúc đòi hỏi có hướng nhìn, hướng đi, cách làm mới trong việc quy hoạch, phát triển đô thị ở Việt Nam, đó là phát triển bền vững. Quy hoạch giao thông đô thị bền vững phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa ba mục tiêu: kinh tế - xã hội - môi trường.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho biết, để quy hoạch hiệu quả, ngành giao thông phải tham gia với tư cách một chủ thể với những đề xuất để các ngành khác nghiên cứu, xem xét. Cần phải đánh giá, đưa ra bức tranh tổng thể về hiện trạng, tồn tại. Từ đó mới xây dựng giải pháp tổng thể, đưa ra các phương án lựa chọn để các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, quyết định.q
Hà Nội hiện có 4.000km đường, chiếm 6 - 7% diện tích toàn Thành phố. Với sự gia tăng hàng năm 10 - 20% phương tiện cá nhân, các tuyến đường đô thị đang bị quá tải bởi gần 400.000 ô tô các loại cùng với gần 4 triệu xe máy và khoảng 1 triệu xe đạp. Vào giờ cao điểm, mức phục vụ với khả năng thông hành của các trục đường và các nút giao thông trong đô thị đều quá tải, do đó thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe.